Hình ảnh cây còn sống sót sau thảm họa động đất sóng thần đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh Nhật Bản (Ảnh: Reuter)
3 năm sau trận động đất, sóng thần kinh hoàng ngày 11/3/2011, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế khu vực Đông Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa. Tuy nhiên, cho đến nay các kết quả thu được vẫn rất hạn chế. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt trong vùng đều đang bị tê liệt và chưa biết đến khi nào mới có thể khôi phục như trước.
Những cánh đồng mênh mông trải rộng khắp vùng duyên hải phía Đông Bắc Nhật Bản giờ đang nằm im lìm năm này qua năm khác. Những cơn sóng thần đã làm ngập mặn hàng nghìn héc ta đồng ruộng khiến cho việc canh tác là bất khả thi. Chính phủ Nhật Bản ước tính hoạt động canh tác sớm nhất cũng chỉ có thể bắt đầu sau 2 năm tới, nghĩa là 5 năm kể từ sau sóng thần.
Không chấp nhận để đồng ruộng bỏ hoang, các nhà khoa học Nhật Bản đang thử nghiệm các giải pháp khử muối và acid khỏi đất ruộng.
Ông Hamade Hideo, nông dân Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi đang phun thuốc khử chất PH lên đồng ruộng theo hướng dẫn của các thầy giáo trường đại học Tokyo. Cứ mỗi 1.000m2 chúng tôi lại phun 2 tấn thuốc tẩy. Những khu vực được phun đủ thuốc có thể bắt đầu canh tác ngay trong năm nay. Nhưng vẫn còn rất nhiều nơi chưa được phun thuốc”.
Riêng ở tỉnh Fukushima, ngòai vấn đề ngập mặn, người nông dân còn phải lo lắng cả chuyện thực phẩm bị nhiễm xạ. Theo các thông báo chính thức, hàng trăm tấn nước nhiễm phóng xạ đã bị rò rỉ khỏi nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Số nước phóng xạ này nhiễm vào đất và nguồn nước xung quanh, khiến các hoạt động trồng trọt rau quả và đánh bắt cá ở nhiều nơi bị ngừng trệ hoàn toàn.
Khu đánh cá Haragama sầm uất một thời này hiện nay đang bị cấm hoạt động do nồng độ phóng xạ trong nước biển vượt quá mức cho phép.
Chính quyền tỉnh Fukushima vẫn tiến hành đo đạc định kỳ nồng độ phóng xạ trong nước biển. Khi nồng độ phóng xạ giảm xuống thấp hơn mức cho phép, các hoạt động đánh bắt cá sẽ được khôi phục trở lại. Ở các hải cảng, các họat động tu sửa đê, kè, xây dựng các khu chợ cá vẫn được tiến hành thường xuyên để việc đánh bắt cá có thể khôi phục ngay khi điều kiện cho phép.
Ông Akiniwa Kenzo, thợ xây dựng nói: “Chúng tôi đang gia cố khu vực bờ biển để có sức kháng cự tốt hơn với động đất và sóng thần. Chúng tôi cứ xây thế thôi, chứ không biết bao giờ những công trình này mới được sử dụng. Cá ở đây bị nhiễm phóng xạ rồi”.
Với việc cả hai ngành kinh tế chủ lực là nông nghiệp và thủy sản đều đang tê liệt, khu vực miền Đông Bắc Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn. Không có việc làm, một bộ phận đáng kể dân cư sống dựa hoàn toàn vào trợ cấp của Chính phủ, trông chờ cho đến khi các họat động kinh tế của địa phương được khôi phục trở lại.