Núi lửa Lewotobi Laki-Laki - với đỉnh núi cao 1.703 mét - là một ngọn núi lửa nổi tiếng nằm trên hòn đảo Flores nơi nổi tiếng với các bãi biển tuyệt đẹp và hoạt động du lịch sôi động. Tuy nhiên, trong tuần qua, núi lửa này đã phun trào tới hơn 10 lần, khiến cho tình hình ngày càng căng thẳng.
Vụ phun trào núi lửa đầu tiên vào ngày 4/11 đã khiến 9 người thiệt mạng, trong khi hàng nghìn người dân phải sơ tán để tránh hiểm họa.
Theo thông tin từ cơ quan địa chất Indonesia, vụ phun trào mới nhất vào sáng 9/11 tạo ra cột tro dày đặc màu xám đậm, bay cao khoảng 9.000 mét so với đỉnh núi. Cột tro khổng lồ này có thể nhìn thấy từ xa, gây ra sự hoang mang và lo lắng trong cộng đồng dân cư. Dù hiện tại chưa có báo cáo thiệt hại về tài sản hay người dân ở các làng gần núi nhưng nhà chức trách Indonesia vẫn khuyến cáo người dân duy trì sự cảnh giác cao độ, đặc biệt là với nguy cơ lũ nham thạch lạnh có thể xảy ra do mưa lớn.
Hôm 8/11, một vụ phun trào mạnh khác đã buộc các nhân viên tại trạm quan sát gần núi lửa Lewotobi Laki-Laki phải sơ tán khi tro bụi và đá vụn rơi xuống khắp khu vực.
Vào ngày 7/11, ngọn núi cũng đã phun ra một cột tro cao 8 km, được người dân mô tả là một trong những vụ phun trào lớn nhất mà họ từng chứng kiến trong đời. Giới chức Indonesia đã mở rộng vùng cấm với người dân địa phương lên 8 km.
Đến nay, hơn 10.000 người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vụ phun trào liên tiếp của núi lửa Lewotobi Laki-Laki. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân trong khu vực bán kính 8 km phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng, Cơ quan giảm thiểu thiên tai của Indonesia cam kết cung cấp nơi ở tạm thời và hỗ trợ tài chính cho người dân, trong khi những ngôi nhà mới được xây dựng.
Trước đó, hồi tháng 1, khoảng 6.500 người đã được sơ tán sau khi núi lửa Lewotobi Laki-Laki bắt đầu phun trào. Nhà chức trách đã phải đóng cửa sân bay Fransiskus Xaverius Seda trên đảo Flores.
Lewotobi Laki-Laki là một trong 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Đất nước này thường xuyên xảy ra động đất, lở đất và các vụ phun trào núi lửa vì nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!