Đây là quan điểm được trình bày tiếp theo bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh tại Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) diễn ra hôm nay (9/6) tại Yangon, Mayanmar. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 27 nước thành viên ARF gồm 10 nước ASEAN, các nước đối tác đối thoại ASEAN và một số nước quan sát viên.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh tiếp tục chia sẻ với các nước về tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông trước sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nêu rõ: từ 1/5 đến nay, Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép cộng với nhiều tàu, bao gồm cả tàu quân sự vào vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc liên tục gây hấn và sử dụng nhiều biện pháp như là đâm húc vòi rồng phun nước để phá hoại tàu bè Việt Nam.
Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt công ước luật biển của LHQ cũng như vi phạm thoả thuận Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông DOC, đồng thời gây căng thẳng, phương hại đến hoà bình ổn định ở khu vực cũng như an ninh an toàn hàng hải Biển Đông. Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, thứ trưởng Phạm Quang Vinh đề cập và ủng hộ mạnh mẽ những đề nghị được nêu trong tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN ngày 10/ 5 và cho rằng các nước cần phải đáp ứng lời kêu gọi đó, đặc biệt là phải giảm căng thẳng, kiềm chế và thực hiện tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước luật biển của LHQ.
Ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Trong buổi trao đổi hôm nay chúng ta cũng nói rằng chính sách chúng ta kiên quyết vì hoà bình, vì an ninh an toàn hàng hải nhưng đồng thời chúng ta cũng nhất quán đối thoại hoà bình giải quýêt tranh chấp nhưng kiên quyết vào vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam”.
Sau bài phát biểu của đại diện Việt Nam, tất cả các nước phát biểu sau đó đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ngày càng gia tăng căng thẳng ở khu vực biển Đông, phản đối việc có những hành động đơn phương gây căng thẳng ở trong khu vực và kêu gọi các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, đặc biệt phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông Viorel Isticioaia Budura, Đại sứ, Trưởng đoàn EU chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức rõ về những diễn biến đáng lo ngại mới đây ở Biển Đông. Chúng tôi rất muốn các nước ASEAN và những nước lớn trong khu vực tìm ra cách thức giải quyết vấn đề. Chúng tôi rất lo ngại về tình hình bởi EU có quan hệ thương mại nhiều với các nước ở ven Biển Đông”.
Ông Aung Lynn, Chủ tịch Hội nghị SOM ARF nói: “ASEAN có 10 nước thành viên thì có bốn nước có yêu cầu chủ quyền trên Biển Đông. Và với tư cách là một khối, tất cả các thành viên đều hướng về một quan điểm chung là sẽ giải quyết hoà bình vấn để ở Biển Đông. Đó là vấn đề quan trọng đối với ASEAN và là vấn đề quan trọng đối với nước đối tác đối thoại là Trung Quốc”.
Những ý kiến từ Hội nghị cho thấy Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của ASEAN mà còn của cộng đồng quốc tế. Việc duy trì hoà bình ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp hiện nay.
Mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự qua video sau