Nhiều đại biểu Quốc hội Ấn Độ hy vọng nếu được thông qua, đây sẽ là cơ hội để hàng trăm triệu người dân nghèo nước này được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ.
Dự luật này đề xuất đưa lương thực thành quyền của người dân và cung cấp thực phẩm giá rẻ người dân Ấn Độ. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ bán gạo và lúa mì với mức giá trợ cấp cho 67% trong số 1,2 tỷ người dân nước này.
Đây sẽ là cơ hội để hàng trăm triệu người dân nghèo Ấn Độ được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ. (Ảnh: Reuters)
Hiện Ấn Độ đã triển khai chương trình trị giá 22 tỷ USD cung cấp thực phẩm cho người dân nghèo. Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ thái độ hoan nghênh và mong muốn dự luật sớm được thông qua.
Ông Rajeev Shukla, Bộ trưởng phụ trách Quốc hội cho biết: “Tôi tin dự luật này sẽ được thông qua vì lợi ích của 700 triệu người. Nó sẽ giúp người dân được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ”.
Tuy nhiên, không ít chính trị gia đối lập cho rằng, đây chỉ là động thái chính trị và gây thâm hụt ngân sách, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đã dần chậm lại.
Theo số liệu của LHQ, tuy là một trong những nước sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng Ấn Độ chiếm ¼ lượng người đói nghèo thế giới. Hiện hàng triệu người tại Ấn Độ vẫn đang phải sống dưới chuẩn nghèo, rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng.