Cạnh tranh công nghệ Trung Quốc - Phương Tây

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 09/11/2024 15:17 GMT+7

VTV.vn - Giới chức EU và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán để tìm kiếm các giải pháp thay thế thuế quan

Xe điện Trung Quốc đang bị bủa vây bởi thuế nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Mỹ và Canada. Trong khi đó, ngành bán dẫn tiên tiến, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo A.I của Trung Quốc cũng sẽ không thể nhận được một đồng vốn đầu tư nào từ Mỹ từ năm sau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Trong nhiều năm, Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho các sản phẩm như bán dẫn, xe điện, pin mặt trời. Đây là cạnh tranh không công bằng".

Ông Lin Jian - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu ý kiến: "Mức thuế EU đánh vào xe điện Trung Quốc là hành động điển hình của chủ nghĩa bảo hộ thương mại".

EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán

Từ ngày 31/10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua việc áp thuế quan có thể lên tới mức 45,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.

Động thái này được đưa ra sau khi các nỗ lực đàm phán giữa hai bên không thể dẫn tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt những bất đồng thương mại.

Các quan chức EU cho biết, mức thuế bổ sung sẽ kéo dài ít nhất 5 năm. Việc áp thuế là cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của châu Âu trước sự cạnh tranh không công bằng đến từ xe điện giá rẻ Trung Quốc. 55% lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang được xuất sang thị trường châu Âu.

Cạnh tranh công nghệ Trung Quốc - Phương Tây - Ảnh 1.

55% lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang được xuất sang thị trường châu Âu

Quyết định của giới chức châu Âu chắc chắn sẽ khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn gia tăng. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích hành động mang tính bảo hộ của EU, đồng thời mở các cuộc điều tra mang tính đáp trả nhằm vào nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu như thịt lợn, sữa và rượu mạnh.

Không chấp nhận kết quả điều tra phán quyết chống trợ cấp đối với xe điện của EU, Trung Quốc đã đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khởi kiện. Tuy vậy, việc áp thuế sẽ không đồng nghĩa với việc các cánh cửa đàm phán sẽ khép lại.

Theo Reuters, cách đây ít ngày, giới chức EU và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán để tìm kiếm các giải pháp thay thế thuế quan, sau khi mức áp thuế mới này có hiệu lực. Các quan chức đang xem xét khả năng các nhà sản xuất Trung Quốc đưa ra những cam kết về giá bán xe tối thiểu, hoặc thực hiện các khoản đầu tư vào châu Âu như một giải pháp thay thế cho thuế quan.

Đại diện các hãng xe lớn tại châu Âu cũng bày tỏ quan điểm phản đối thuế quan và kỳ vọng hai bên sẽ sớm tìm ra những giải pháp có thể thay thế.

Ông Klaus Zellmer - Giám đốc điều hành hãng xe Skoda cho biết: “Chúng tôi phản đối thuế quan, vì sẽ không có ai được hưởng lợi từ điều đó. Biện pháp này sẽ dẫn tới những sự đáp trả thương mại. Đó là lý do vì sao chúng tôi có quan điểm phản đối việc áp dụng các mức thuế quan đó”.

Ông Christian Ach - Giám đốc điều hành BMW Group Sales tại Đức nhận định: “Vẫn còn nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra và tôi vẫn lạc quan tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tìm được được một giải pháp tốt cho cả hai bên, cả các hãng xe Trung Quốc hoạt động tại châu Âu và cho các hãng xe châu Âu hoạt động tại Trung Quốc”.

Đầu tư có thể là giải pháp thay thế thuế quan

Lo ngại việc bị áp thuế, các hãng xe điện Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu xe sang châu Âu trong tháng 9, với số lượng hơn 60.000 chiếc, tức tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bloomberg cũng cho biết, chính phủ Trung Quốc đã khuyến cáo các hãng xe điện nước này nên tạm dừng việc mở rộng hoạt động tại châu Âu, trong bối cảnh triển vọng đàm phán chưa rõ ràng. Một số hãng xe như Đông Phong vừa tạm dừng kế hoạch sản xuất xe tại Italy sau khuyến cáo trên.

Tuy nhiên, các hãng xe điện Trung Quốc khác cho biết sẽ tiếp tục xem xét việc đầu tư xây dựng nhà máy tại châu Âu như một giải pháp nhằm hạn chế đáng kể những tác động tiêu cực từ thuế quan.

Tại thành phố Debrecen của Hungary, một nhà máy pin xe điện của CATL đang được xây dựng. Cách đó hơn 200 km, tại Szeged, một nhà máy xe điện của BYD dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất trong năm tới. Các cơ sở này sẽ là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện của Hungary và châu Âu.

Ông Levente Horvath - Giám đốc Trung tâm Á - Âu, Đại học John von Neumann cho biết: “Trong năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU trong lĩnh vực xe điện đã tăng trưởng tốt, 44% là vào Hungary. Trước đó, trong suốt cả một thập kỷ, vốn FDI của Trung Quốc cũng đã được đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực xe điện tại Pháp, Đức và Anh”.

Ngoài Hungary, các hãng xe điện Trung Quốc cũng đang cố gắng mở rộng chuỗi cung ứng tại nhiều nơi khác ở châu Âu như Tây Ban Nha, Ba Lan, hay Italy. Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được tác động từ việc bị áp thuế.

Ông Tamas Matura - Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Đại học Corvinus chia sẻ: “Ngay cả khi EU đưa ra một số biện pháp chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những chiếc xe xuất xưởng từ các nhà máy ở Hungary cũng sẽ không bị ảnh hưởng, bởi chúng được sản xuất bên trong Liên minh châu Âu”.

Ông Erik Solheim - Đồng chủ tịch Trung tâm châu Âu - châu Á nhận định: “Lựa chọn tốt nhất của châu Âu là thu hút các công ty pin xe điện hay xe điện Trung Quốc như BYD đầu tư vào châu Âu, thúc đẩy quá trình tạo việc làm và chuyển giao công nghệ. Đó cũng là điều mà Bắc Kinh từng làm trong quá khứ, khi thu hút đầu tư của phương Tây vào Trung Quốc. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế”.

Trong năm ngoái, những khoản đầu tư của Trung Quốc vào chuỗi giá trị ô tô điện tại châu Âu đã đạt 5 tỷ USD, tăng 61% so với năm 2022 và chiếm gần 70% tổng vốn FDI của Trung Quốc vào EU. Xu hướng này được dự báo sẽ còn gia tăng, khi Chính phủ nhiều nước châu Âu đã đã bày tỏ quan điểm chào đón các dự án đầu tư từ Trung Quốc.

Cạnh tranh công nghệ Trung Quốc - Phương Tây - Ảnh 2.

Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 100 tỷ USD trong ba năm tới cho ngành chip

Mỹ siết chặt quy định đầu tư công nghệ vào Trung Quốc

Tuần qua cũng ghi nhận một sự leo thang căng thẳng mới trong cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố quy định cuối cùng về việc kiểm soát hoạt động đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong ba lĩnh vực, gồm bán dẫn, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo (A.I). Đây là bước tiếp theo trong việc thực thi các biện pháp nhằm kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ cao có tiềm năng thống trị trên thị trường toàn cầu.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trí tuệ nhân tạo (A.I), bán dẫn và công nghệ lượng tử là ba nền tảng lõi để phát triển thế hệ tiếp theo của các ứng dụng quân sự, tình báo và an ninh mạng, như hệ thống máy tính phá mã tiên tiến hoặc máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Do vậy, việc ngăn chặn dòng vốn đầu tư này là cần thiết, hạn chế Bắc Kinh có thể phát triển các công nghệ quan trọng dẫn đến sự đột phá.

Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, Fitch Ratings cho biết: “Bất kể đó là sản phẩm nào, càng nhiều rào cản thương mại sẽ mang đến càng nhiều khó khăn. Ở đây là những con chip thế hệ cao, được săn đón nhiều, rất cần thiết để xây dựng công nghệ của tương lai. Nên Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp vấn đề về nguồn cung, ảnh hưởng đến năng suất, đặc biệt là những ngành công nghiệp cần chip thế hệ cao cấp. Đồng nghĩa là Bắc Kinh phải dựa vào các giải pháp tự phát triển”.

Câu hỏi đặt ra là hậu bầu cử Tổng thống Mỹ, cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu?

Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, Fitch Ratings nhận định: “Dù kết quả bầu cử ra sao, ai thắng đi nữa thì những rào cản thương mại, đặc biệt là với lĩnh vực chip, công nghệ sẽ tiếp tục, bởi Trung Quốc sẽ luôn không ngừng tìm cách phát triển tiến bộ công nghệ của họ. Điểm khác nhau có lẽ sẽ là mức độ của các lệnh cấm. Nhưng tôi nghĩ các rào cản sẽ không đến mức 100%, mà sẽ có một số lỗ hổng”.

Theo Viện Nghiên cứu chính sách độc lập Lowy, các biện pháp của Mỹ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như năng lượng sạch, pin điện, an ninh sinh học và bảo mật dữ liệu…

Theo Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì vị thế là nền kinh tế chi hàng đầu, với mức đầu tư hơn 100 tỷ USD trong ba năm tới cho ngành chip nhờ chính sách tự cung tự cấp quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng với phương Tây. Hội nghị Trung ương III diễn ra hồi tháng 7 vừa qua của Trung Quốc cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đề cao việc đảm bảo an ninh quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước