Hôm nay (8/12) diễn ra phiên tòa xét xử vụ Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".
Phiên tòa này lập "kỷ lục" trong lịch sử tố tụng với nhiều điều chưa có tiền lệ. Đây là phiên tòa có nhiều bị hại nhất với 4.500 người, các bị hại phân bố đều ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và tất cả các quận huyện của TP Hồ Chí Minh; hồ sơ vụ án có hơn 1 triệu bút lục và để thực hiện xét xử kéo dài, TAND TP Hồ Chí Minh đã phải chi ra hàng tỷ đồng cho công tác tổ chức.
Một góc các rương chứa hồ sơ vụ án (Ảnh: Dân trí).
Vụ án rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba được dự kiến đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 8/12/2022 đến ngày 6/1/2023.
Về tổ chức xét xử, trụ sở tòa đang trùng tu nên các phòng xử không đủ sức chứa hết các bị hại và người liên quan, do đó phải dành nguyên khoảng sân trước tòa để dựng 3 nhà bạt với sức chứa khoảng 2.000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên tòa có chỗ làm việc.
Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tòa đãchi hàng tỷ đồng từ công tác in ấn tài liệu, giấy triệu tập, hướng dẫn gửi đến những người tham gia phiên tòa và tất cả các chi phí khác nữa. Con số 200 người phục vụ phiên tòa liên tục cũng phải được chăm lo bảo đảm. Tiền này từ nguồn do TAND tối cao và TP Hồ Chí Minh hỗ trợ. Phiên tòa dự kiến sẽ xét xử gần 1 tháng, từ 8/12/2022 đến 6/1/2023.
Nhìn lại vụ án lừa đảo, rửa tiền tại Công ty Alibaba
Công ty Alibaba được thành lập vào tháng 5/2016 với vốn đăng ký điều lệ là 1 tỷ đồng. Công ty do Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sau 3 lần thay đổi, đến tháng 9/2017, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên 1.600 tỷ đồng.
Năm 2017, lợi dụng sự quan tâm của người dân về bất động sản tại khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, Công ty Alibaba tự ý vẽ bản đồ chi tiết 1/500 trên khu đất Tân Phú Trung, huyện Củ Chi sau đó thông tin về dự án không có thật để lừa đảo 493 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 16.6 tỷ đồng.
Vụ việc ngay sau đó đã được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an vào cuộc xử lý.
Không dừng lại, sau đó, Luyện và Công ty Alibaba đổi hướng sang thu mua đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo, Alibaba đã lập 22 công ty con.
Nguyễn Thái Luyện trước khi bị bắt (Ảnh: Dân trí).
Nhiệm vụ của công ty này là đứng ra nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp số lượng lớn, lập hợp đồng ủy quyền, vẽ dự án không có thật trên đất, sau đó phân lô tách thửa trái quy định, quảng cáo bán đất. Sau khi khách hàng đồng ý mua, các giám đốc công ty con - cũng là người thân của Luyện, ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, còn tiền được nộp về Công ty Alibaba.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện sử dụng thủ đoạn như: Cam kết mua lại hoặc thuê lại với giá cao. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết mà thay vào đó chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Không chỉ lừa đảo, Công ty Alibaba còn lập 2 công ty con để rửa tiền.
Ngày 13/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan; đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Lĩnh là Tổng Giám đốc Công ty Alibaba.
Ngày 24/9/2019, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau 4 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hôm nay, vụ án được đưa ra xét xử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Lên trên