Quá trình điều tra cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, mở rộng điều tra vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" do đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1988, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) và Hoàng Quốc Việt (SN 1983, trú tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) cùng nhiều đồng phạm khác thực hiện.
Trước đó, ngày 11/1/2025, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Chư Sê, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành phố: Bình Định, Bình Thuận, TP Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đồng loạt khám xét tại trụ sở chính của Công ty cổ phần đầu tư khai thác quản lý tài sản Việt (VFIN), trụ sở tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH kết nối tài chính quốc tế Việt Nam (VIF), trụ sở tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cùng 4 chi nhánh của 2 công ty này ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai), TP. Phan Thiết (Bình Thuận), TP. Quy Nhơn (Bình Định) và quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng).
Quá trình thu giữ vật chứng và lời khai của các đối tượng liên quan, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai xác định: Vào khoảng tháng 10/2021, Nguyễn Văn Bình và Hoàng Quốc Việt góp vốn thành lập Công ty cổ phần VFIN.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Công an tỉnh Bình Định tiến hành khám xét chi nhánh Công ty VIF tại TP. Quy Nhơn.
Đến khoảng tháng 10/2024, các đối tượng tiếp tục góp vốn thành lập Công ty TNHH VIF (Bình làm Tổng Giám đốc, Việt làm Chủ tịch Hội đồng quản trị). Sau đó, phát triển các chi nhánh, thuê người làm Giám đốc và các bộ phận điều hành khác, tuyển mộ hàng trăm nhân viên tham gia hoạt động.
Với vỏ bọc đầu tư khai thác quản lý tài sản và kết nối tài chính nhưng thực chất hoạt động của 2 công ty là mua bán nợ và đòi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay, các đối tượng ký hợp đồng mua, bán nợ xấu với nhiều công ty tài chính, sau đó giao thông tin của người nợ cho các bộ phận pháp lý, bộ phận IT và bộ phận xử lý để đưa thông tin lên hệ thống của công ty. Mỗi nhân viên được trang bị 1 máy tính kết nối mạng và các phần mềm để vào hệ thống thông tin người vay thực hiện hành vi, phương thức, thủ đoạn đòi nợ.
Theo trích xuất dữ liệu ban đầu, tổng số lượt người vay nợ của hệ thống là hơn 932.000 lượt. Nguyễn Văn Bình soạn thảo một quy trình đòi nợ với thủ đoạn rất tinh vi là "tìm điểm yếu" của người nợ và người thân của họ để giao cho các nhân viên xoáy vào đó đe doạ, khống chế. Ngoài ra, để đào tạo, nâng cao kỹ năng đòi nợ cho nhân viên, Bình còn soạn sẵn các mẫu tin nhắn, Email, văn bản đòi nợ, nhân viên chỉ việc copy rồi gửi cho người nợ…
Liên tục uy hiếp tinh thần người vay
Nhân viên công ty sử dụng "sim rác", sim đăng ký thuê bao không chính chủ để gọi điện, nhắn tin, chuyển những hình ảnh cắt ghép nhằm khủng bố tinh thần hoặc bôi nhọ, gây áp lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm buộc những "con nợ" và cả người thân, bạn bè trả nợ.
Qua khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều hình ảnh do các đối tượng cắt ghép ảnh của người nợ vào hình đám tang, đăng hình bôi nhọ… trên các trang mạng xã hội.
Điển hình, đối tượng Nguyễn Tiến Thành (SN 1998), trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng là tổ trưởng, kiêm nhân viên chăm sóc khách hàng của chi nhánh Công ty VIF ở Đà Nẵng có hành vi gọi điện, nhắn tin, đe doạ gây sức ép đối với anh L.A.C (SN 1984), trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và người thân trong gia đình anh C để cưỡng đoạt số tiền 55 triệu đồng.
Một trường hợp khác là chị N.T.H.V (SN 1999) trú thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định bị đối tượng Đỗ Trần Xuân Thảo (SN 2000), trú TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là nhân viên chăm sóc khách hàng chi nhánh VIF Bình Định gọi điện đe doạ đăng thông tin cá nhân "Tìm đối tượng nợ tiền không trả" lên các trang mạng xã hội. Sau một thời gian gọi điện, nhắn tin hù doạ, khủng bố tinh thần đối tượng Thảo đã cưỡng đoạt của chị V 5,5 triệu đồng.
Tổ chức tội phạm này đặt ra chỉ tiêu cho từng nhân viên phải đòi nợ, thu hồi nợ tối thiểu là 15 triệu đồng/tháng. Nếu nhân viên đòi nợ vượt mức sẽ được hưởng hoa hồng, nếu trong 2 tháng liên tiếp không đạt chỉ tiêu thì bị đuổi việc.
Bình và Việt chuẩn bị phương án đối phó với cơ quan chức năng, như: Đề ra nội quy, quy trình hoạt động thu hồi nợ, không có lời nói, tin nhắn đe doạ, không gửi hình ảnh và các hành vi khác uy hiếp ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của khách hàng… thực chất là tạo vỏ bóc để khi bị phát hiện chúng đổ lỗi cho nhân viên vi phạm nội quy, quy định của công ty, hòng thoát tội.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định tạm giữ hình sự 27 đối tượng, triệu tập 12 đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra và cấm đi khỏi nơi cư trú hàng chục đối tượng khác, đồng thời, thu giữ hàng trăm máy tính, điện thoại là tang vật của vụ án.
Bước đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai xác định: Từ tháng 12/2021 đến nay 2 công ty trên đã chi số tiền hơn 110 tỷ đồng thu mua hơn 3.247 tỷ đồng nợ xấu của 13 công ty tài chính, tổ chức tín dụng.
Với các thủ đoạn cưỡng đoạt, nhóm đối tượng đã thu hồi số tiền hơn 300 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Gia Lai thông báo những ai là bị hại trong các vụ đòi nợ với thủ đoạn như trên cần báo ngay cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh số điện thoại 0694329148 để được hướng dẫn giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!