Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị từ 6-7 năm tù

TT-Thứ bảy, ngày 18/01/2025 12:32 GMT+7

Bị cáo Lê Tiến Phương (sinh năm 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (từ năm 2010 - 2015), nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận) khai báo trước tòa, ngày 17/1/2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

VTV.vn - Sáng 18/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Theo đó, bị cáo Lê Tiến Phương (sinh năm 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ năm 2010 - 2015, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận) bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 6-7 năm tù.

Bị cáo Hồ Lâm (sinh năm 1960, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) từ 5-6 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó tuyên phạt bị cáo Lâm 5 năm tù, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án.

Hai bị cáo: Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - Thường trực Hội đồng Thẩm định gia đất của tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Xà Dương Thắng (sinh năm 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cùng bị đề nghị từ 4-5 năm tù.

Nguyễn Xuân Phong (sinh năm 1957, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận) từ 3-4 năm tù.

Nguyễn Ngọc (sinh năm 1958, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) từ 36-42 tháng tù.

Đỗ Ngọc Điệp (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) từ 30-36 tháng tù.

Năm bị cáo: Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Thanh Cho (sinh năm 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Lê Nam Hưng (sinh năm 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Phạm Duy Cường (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1961, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) cùng bị đề nghị mức từ 24-30 tháng tù. Riêng Lê Nguyễn Thanh Danh bị đề nghị tổng hợp hình phạt với bản án 42 tháng tù bị tuyên trước đó.

Lê Quang Vinh (sinh năm 1973, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bốn bị cáo còn lại gồm: Lê Anh Huy (sinh năm 1977, cựu Chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, nguyên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Huỳnh Lương Thiện (sinh năm 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn Phòng UBND tỉnh Bình Thuận), Trương Văn Ri (sinh năm 1959, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty SIVC tại Bình Thuận), Hồ Như Hải (sinh năm 1973, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá) cùng bị đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị từ 6-7 năm tù - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm, ngày 17/1/2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bản luận tội nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến công tác quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước được pháp luật bảo vệ. Cụ thể trong vụ án này là việc phê duyệt nghĩa vụ tài chính để chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m² đất tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận từ đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị.

Trong vụ án này, các bị cáo đều là những người có trình độ, chức vụ, lẽ ra phải là những người tiên phong đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, nhưng lại thực hiện không đúng các quy định pháp luật, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đây là số tiền thiệt hại đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây dư luận xấu cho xã hội và mất niềm tin đối với nhân dân. Do vậy, việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cũng xem xét bối cảnh và nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Tại thời điểm xảy ra vụ án, từ những năm 2014-2015, Bình Thuận là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do vậy chủ trương thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn được nhân dân ủng hộ, trong đó có nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông. Nguồn thu lớn cho sự phát triển kinh tế của UBND tỉnh Bình Thuận thời điểm đó là nguồn thu từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai chiếm phần quan trọng trong tổng thu Ngân sách trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp tăng thu Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh đó, đã phần nào tạo áp lực cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh nói chung và các bị cáo trong vụ án này nói riêng.

Mặt khác, Dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết là Dự án có quy mô lớn nhất tại thời điểm năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, quá trình xây dựng, thẩm định giá đất phải làm lại nhiều lần, Sở Tài nguyên Môi trường đã 4 lần xây dựng phương án giá đất, trên cơ sở đó Hội đồng thẩm định cũng đã 4 lần tổ chức các cuộc họp thẩm định để rà soát, chỉnh sửa. Điều này thể hiện các bị cáo cũng có phần thận trọng và lúng túng trong việc áp dụng phương pháp tính giá đất.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo đều khai nhận về việc không có động cơ, mục đích cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà chỉ có mong muốn sớm hoàn thành và tạo nguồn thu cho địa phương cũng như tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Song, mặc dù Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã lưu ý 3 nội dung gồm xác định rõ thời gian thực hiện dự án để tính toán số năm được chiết khấu theo phương pháp thặng dư cho đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, cộng đồng xã hội và nhà đầu tư; nhưng Công ty Thẩm định giá Miền Nam vẫn giữ nguyên phương pháp, kết quả xác định giá đất trái quy định pháp luật và các bị cáo vẫn thống nhất sử dụng để xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án giá đất gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng.

Công tố viên đánh giá, trong số các bị cáo, bị cáo Lê Tiến Phương với vai trò khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất đã chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và Dự thảo Phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Bị cáo trực tiếp tham gia cuộc họp, biết kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tách riêng đất nhà cao tầng để tính giá đất… Song, bị cáo Lê Tiến Phương vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với đất biệt thự, nhà liền kề. Đồng thời, bị cáo ký ban hành Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015, phê duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m² trái quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Do đó, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Lê Tiến Phương là người giữ vai trò chính trong vụ án và phải chịu mức án cao nhất trong các bị cáo còn lại.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư, bị cáo đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, phân tích các tình tiết có liên quan nhằm giảm nhẹ mức độ, hậu quả hành vi vi phạm của các bị cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước