Vụ sai phạm tại tỉnh Bình Thuận: Không buộc các bị cáo phải khắc phục hậu quả vụ án

TTXVN-Thứ sáu, ngày 17/01/2025 17:28 GMT+7

VTV.vn - Ngày 17/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

17 bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Tiến Phương (sinh năm 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (từ năm 2010 - 2015), nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Hồ Lâm (sinh năm 1960, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Xà Dương Thắng (sinh năm 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Xuân Phong (sinh năm 1957, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận), Đỗ Ngọc Diệp (sinh năm 1962, cựu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Thanh Cho (sinh năm 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Lê Nam Hưng (sinh năm 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận), Phạm Duy Cường (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Lê Anh Huy (sinh năm 1977, cựu Chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, cựu Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Ngọc (sinh năm 1958, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận), Lê Quang Vinh (sinh năm 1973, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận), Huỳnh Lương Thiện (sinh năm 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1961, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam), Trương Văn Ri (sinh năm 1959, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty SIVC tại Bình Thuận), Hồ Như Hải (sinh năm 1973, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá).

Trong số 17 bị cáo, bị cáo Nguyễn Xuân Phong xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe yếu và đã được Hội đồng xét xử chấp thuận.

Theo cáo trạng, quá trình triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Bị cáo Phương biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, đồng thời được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và Dự thảo Phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường… nhưng vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Trong đó, sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với đất biệt thự, nhà liền kề. Từ đó, bị cáo Phương đã ký ban hành Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015, phê duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định pháp luật và trái ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cùng thực hiện hành vi phạm tội với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương, 13 bị cáo khác nguyên là cán bộ của tỉnh Bình Thuận với các vai trò khác nhau đã cố ý làm trái nhiệm vụ được giao trong quy trình xây dựng, thẩm định phương án giá đất; thống nhất sử dụng kết quả xác định giá đất trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán; tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, nhà liền kề và ước tính tổng doanh thu phát triển đất nhà cao tầng từ việc chuyển nhượng diện tích đất nền nhà cao tầng; trái quy định pháp luật và trái ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng phạm với các bị cáo tại các cơ quan quản lý Nhà nước, 3 bị cáo: Nguyễn Văn Thọ, Trương Văn Ri và Hồ Như Hải (thuộc Công ty tư vấn thẩm định giá) đã thống nhất xây dựng Chứng thư thẩm định giá trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không đúng quy định, nguyên tắc của phương pháp thặng dư.

­­Theo Viện Kiểm sát, tổng số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả từ hành vi phạm tội gây ra là 150 triệu đồng. Công ty cổ phần Rạng Đông nộp tiền tham gia khắc phục số tiền 90 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam nộp tiền khắc phục theo đề nghị của bị cáo Nguyễn Văn Thọ (Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty) số tiền gần 180 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định hành vi phạm tội của 17 bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng. Công ty Rạng Đông đang được hưởng số tiền này. Quá trình điều tra, Công ty Rạng Đông đã nộp số tiền 90 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục một phần hậu quả. Ngoài ra, quá trình làm việc, Nguyễn Văn Đông cam kết sẽ tham gia khắc phục hậu quả, nộp bổ sung số tiền sử dụng đất tại dự án theo Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Viện Kiểm sát nhận thấy, kết quả định giá của Hội đồng định giá cấp Chính phủ với Quyết định phê duyệt giá của UBND tỉnh Bình Thuận có sự chênh lệch số tiền hơn 308 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do các yếu tố giả định trong phương án giá đất của các Hội đồng định giá khác nhau, không phải là hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Do vậy, Viện Kiểm sát xác định không có căn cứ buộc các bị cáo phải khắc phục trong vụ án. UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết để giải quyết các vấn đề theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện Công ty Rạng Đông cho biết Công ty đã nộp khắc phục hoàn toàn số tiền hơn 308 tỷ đồng nói trên và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sớm giải tỏa các tài sản bị hạn chế giao dịch của Công ty và các đơn vị thành viên để Công ty có thêm nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước