Yếu tố nào giúp Đồng Tháp dẫn đầu về PCI?

Mỹ Duyên-Chủ nhật, ngày 17/03/2013 10:56 GMT+7

Tại lễ công bố xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu cả nước. (Ảnh: VGP/Huy Thắng)

 Vừa qua, trong bảng công bố xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu cả nước. Một trong yếu tố để tỉnh đạt được kết quả này đó lãnh đạo tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư.

Mặc dù nằm ở vị trí không thuận lợi, rất ít lợi thế để phát triển nhưng nhờ sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, nên tỉnh Đồng Tháp đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một trong những thay đổi rõ rệt của Đồng Tháp năm 2012 là tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức hàng loạt chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư tại các nước và những chuyến đi đó đều không thiếu sự có mặt của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Bên, chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, cho biết: “Chính quyền tỉnh đã tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, thông qua những chuyến xúc tiến đầu tư hay đi tham quan ở nước ngoài. Tất cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh đều được quan tâm như nhau”.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó TGĐ công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai An Giang, cũng cho biết: “Có những hôm 7 hoặc 8 giờ tối, tôi thấy lãnh đạo tỉnh cũng sẵn sàng tiếp doanh nghiệp, nhiều khi còn chạy tới doanh nghiệp và giải quyết công việc ngay tại chỗ”.

Mặc dù cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, không có lợi thế về công nghiệp nhưng kết quả lần này đã cho thấy những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thuần nông Đồng Tháp. Theo các doanh nghiệp, trong những năm vừa qua sự năng động của lãnh đạo tỉnh không chỉ thể hiện trên bàn giấy hay thông qua văn bản điều hành, lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành đã trực tiếp vào cuộc để đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó những khó khăn vướng mắc đã được giải quyết thỏa đáng.

“Vừa qua, tôi tổ chức bao tiêu cánh đồng mẫu lớn, liên kết để bao tiêu, tôi đến địa phương nào cũng đều được Đảng và Chính quyền ở đó hỗ trợ và giúp đỡ. Lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đưa chúng tôi xuống gặp bà con nông dân, tháo gỡ những vướng mắc giữa doanh nghiệp với nông dân. Thậm chí khi công ty chúng tôi tổ chức thu mua, chính quyền cấp huyện và cấp tỉnh đã xuống trực tiếp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp và bà con nông dân, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều này chúng tôi hết sức tâm đắc”, ông Đoàn Văn Hiến, Giám đốc công ty TNHH TM-XK Thu Hà ở Đồng Tháp nói.

Đồng Tháp hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vưc, với thế mạnh chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản, hàng dệt may… Chính vì vậy, sự khảo sát cùng thứ hạng lần này có thể chưa thể phản ánh đầy đủ về mọi mặt của chính sách điều hành kinh tế. Song, đây là kênh thông tin quan trọng giúp địa phương xác định được những lĩnh vực còn hạn chế, những điều cần bổ sung và cách thức cải cách điều hành kinh tế, để thật sự trở thành người bạn tin cậy, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước