Xuất khẩu xi măng: Giải pháp tình thế hay chiến lược phát triển?

Tuyết Mai-Thứ tư, ngày 19/02/2014 14:00 GMT+7

Nếu coi xuất khẩu là giải pháp tình thế, thì khi khó khăn sẽ khó có những bạn hàng quen để xuất khẩu. Còn nếu coi xuất khẩu là chiến lược, thì liệu có là hình thức bán tài nguyên?

Một nhà máy xi măng được cấp phép bao giờ cũng kèm theo việc cấp mỏ đá vôi để khai thác. Chỉ riêng việc được cấp mỏ, doanh nghiệp đã nghiễm nhiên được hưởng tới 30% lợi thế, so với việc phải mua nguyên liệu từ nước ngoài.

Doanh nghiệp được lợi, nhưng ngành sản xuất xi măng vẫn được nhìn nhận như một ngành nghề gắn với thảm kịch gây ô nhiễm môi trường và “xẻ” tài nguyên để bán. Một ngành nghề mà trong quy hoạch phát triển của ngành xi măng cũng chưa bao giờ nhắm tới mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, thế nhưng từ năm 2013, xi măng Việt Nam bỗng vượt lên bởi xuất khẩu, kéo theo những lo ngại đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Ngừng sản xuất vài ngày đối với nhiều ngành nghề có thể coi là một giải pháp tình thế. Hàng tồn quá nhiều cần phải dừng để tiêu thụ bớt, hay không có tiền mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất cũng có thể tạm dừng. Nhưng với ngành xi măng thì lại hoàn toàn khác, dừng sản xuất là nỗi khiếp sợ với nhiều chủ doanh nghiệp, bởi dừng lò không sản xuất sẽ là “cửa tử” bởi rất có thể dừng lò rồi sẽ không dễ có cơ hội đốt lò trở lại. Đó là lý do vì sao hàng loạt nhà máy xi măng tại Việt Nam phải sống chết duy trì sản xuất, cho dù hàng ế không bán được.

Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, bất động sản đóng băng, một loạt các dự án dừng triển khai thời gian dài đã khiến việc tiêu thụ xi măng dừng đột ngột. Trong khi đó, các nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất, đó là chưa kể sau 3 tháng, chất lượng xi măng đã xuống cấp nếu không được tiêu thụ. Xuất khẩu là một lối thoát hiểm.

Tuy nhiên, xuất khẩu bao nhiêu lại là câu chuyện cần phải bàn. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu tới 14 triệu tấn xi măng trong tổng số 62 triệu tấn sản xuất, nghĩa là khoảng 23% lượng xi măng đã được xuất đi nước ngoài. Trong khi đó, quy hoạch xi măng Việt Nam vẫn là một quy hoạch hướng tới sản xuất trong nước chứ không phải ưu tiên cho xuất khẩu. Điều này đang đặt cho ngành xi măng Việt Nam một sự chênh vênh, bởi nếu coi xuất khẩu xi măng là một giải pháp tình thế, thì khi khó khăn sẽ khó có những bạn hàng quen để xuất khẩu lúc gấp rút. Còn nếu coi xuất khẩu xi măng là chiến lược, thì liệu có là một hình thức xuất khẩu tài nguyên? Trong khi với nhiều quốc gia, họ để dành tài nguyên và khuyến khích nhập khẩu từ các nước khác.

Làm thế nào để vừa đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, vừa hạn chế được tình trạng xuất khẩu tài nguyên lại là câu chuyện cần các nhà quản lý lưu tâm trong lúc này. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, quy hoạch luôn cần sự linh hoạt, bằng chứng là Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng đưa ra khỏi quy hoạch 9 dự án, giãn tiến độ đầu tư 7 dự án xi măng và tiếp tục sẽ có điều chỉnh để tránh dư thừa.

Hiện giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam vẫn thấp hơn 10-20% so với các nước trong khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ bán được giá rẻ là do các doanh nghiệp xi măng đang có lợi thế sở hữu mỏ đá vôi với giá rẻ. Vì vậy, để tạo hiệu quả cao trong xuất khẩu, Nhà nước cần quản lý chặt việc khai thác tài nguyên, tính đúng, đủ để thu về cho Nhà nước. Tránh tình trạng được hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp vô tư bán rẻ ra nước ngoài.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước