Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh 2 tháng đầu năm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 14/03/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Hai tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 1,5 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng cao nhất, tới gần 50% so với cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

Tiếp tục đà hồi phục sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản thế mạnh như tôm, cá tra... Ngành thủy sản đang nỗ lực tận dụng tốt việc nhu cầu trên thế giới tăng để mở rộng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh 2 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Hiện nay, xuất khẩu tôm vẫn là con át chủ bài trong nhóm hàng thủy sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Xuất khẩu cá ngừ, cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, do nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, hiện sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là phi lê, nguyên con và cắt khúc, nên giá trị gia tăng còn ít. Vì vậy, việc khắc phục những hạn chế trong khâu chế biến đang là ưu tiên hàng đầu của ngành hàng này.

"Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giới thiệu sản phẩm đối với các sản phẩm mới. Đây là việc cơ quan quản lý cùng hiệp hội ngành hàng sẽ chú trọng trong thời gian tới để doanh nghiệp tự tin mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường cho sản phẩm chế biến", ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Hiện nay, xuất khẩu tôm vẫn là con át chủ bài trong nhóm hàng thủy sản. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 550 triệu USD, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đều tự tin vào sự khởi sắc của thị trưởng năm nay.

"Việt Nam nằm trong top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm quảng bá hình ảnh và thương hiệu tôm tại thị trường Mỹ, thứ hai là quân tâm đến chất lượng, luôn đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu khắt khe của phía Mỹ cũng như đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà nhập khẩu", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ, nhấn mạnh.

Trong năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng đạt 2,1 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9 tỷ USD.

Thách thức của ngành thủy sản

Ngay từ những tháng đầu của năm, ngành thủy sản đã xuất hiện nhiều lợi thế và cơ hội để tăng mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ như: giá nguyên liệu tăng; các thị trường lớn bị tác động bởi dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản cần thêm những nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra cho cả năm nay.

Do thực hiện giãn cách xã hội vào năm 2021, nên nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm diện tích thả nuôi cá tra từ 30 - 55%. Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá cá lên mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Mặc dù chủ động được vùng nuôi, nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại trước tình trạng thiếu nguyên liệu.

"Chi phí logistics hiện nay tăng quá cao, làm đẩy giá thành thức ăn thủy sản. Nông dân và nhà máy sẽ rất khó cạnh tranh khi tốn kém quá nhiều cho chi phí vận chuyển", ông Hou Hsu Kuang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa kỹ sinh vật Thăng Long, cho hay.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh 2 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Trong năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu sản lượng đạt 2,1 triệu tấn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Thách thức không chỉ đến từ nội tại. Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine khiến chi phí đầu vào của hoạt động đánh bắt tăng, đẩy giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản.

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga đạt khoảng 164 triệu USD, nhưng từ khi xảy ra xung đột, mọi giao dịch hàng hóa đi vào thị trường này đã bị đứt gãy.

"Có nhiều vấn đề: thứ nhất là không có hãng tàu đi đến Nga; thứ hai là hình thức thanh toán. Do đó, hiện các lô hàng đi Nga đều bị dừng lại và chờ thông tin từ phía bạn", ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng Giám đốc Camimex Group, chia sẻ.

"Khu vực thị trường Nga và là nơi đang có sản lượng đánh bắt cá thịt trắng, cá tuyết khá lớn, cung cấp cho các nước khác. Khi gặp khó khăn do cấm vận, chiến sự, nguồn cung cá thịt trắng từ Nga đến các nước sẽ giảm. Chúng tôi đánh giá đây có thể là cơ hội đối với cá tra Việt Nam, khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực duy trì nguồn cung", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định.

Dự kiến trong năm nay, khi tình hình dịch COVID-19 lắng xuống, Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra trực tiếp việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam. Gỡ thẻ vàng là cách duy nhất để hướng tới một nghề cá bền vững và hội nhập, từ đó cải thiện đời sống ngư dân, đặc biệt là nâng vị thế và uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ Nhiều dư địa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ

VTV.vn - Sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam, tuy nhiên các DN ngành, nông, lâm thủy sản cần nắm chắc thị trường để tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước