Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần

Kate Trần-Thứ năm, ngày 31/10/2024 11:12 GMT+7

VTV.vn - Hàng Việt còn rất nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Anh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cấn chú trọng xây dựng thương hiệu và uy tín hơn nữa.

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” diễn ra ngày 30/10, ông Vũ Việt Thành - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, qua 3 năm thực thi UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 8,9%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng đầu năm.

Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong đó, xuất khẩu của nước ta sang thị trường nhiều tiềm năng này tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Như vậy, trong bối cảnh kim ngạch thương mại của Việt Nam với nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm sụt giảm do căng thẳng địa chính trị kèm theo khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thì thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Anh là chính một điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu nước ta.

Với lộ trình cắt giảm thuế quan của UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.

"Có thể thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh hưởng lợi rất nhiều từ hiệp định UKVFTA. Nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, các loại cơ khí, nông thuỷ sản... Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo mẫu của hiệp định này hiện nay ở mức trên 30%, nghĩa là tăng trưởng ổn định dần đều qua các năm", ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về câu chuyện này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, lợi thế UKVFTA mang lại cho thuỷ sản Việt Nam rất lớn khi nhiều mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra...thuế nhập khẩu về 0%. Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh, còn mặt hàng cá tra chiếm 20%...thủy sản Việt đang đứng ở vị trí thứ 5 tại Anh.

Bên cạnh đó, theo số liệu tổng hợp được từ ITC's Trade Map, hiện có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Anh là tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê...Gần đây nhất, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng, thanh long...

Trong 3 năm qua, tổng số dự án đăng ký của Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng hơn gấp rưỡi từ mức 380 dự án vào cuối năm 2020 lên 584 án sau 9 tháng đầu năm 2024 với tổng số vốn là 4,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam trải khắp trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm...

Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, nhưng hiện xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh mới chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng lượng hàng nhập của thị trường này. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính là doanh nghiệp Việt chưa thực sự tập trung xây dựng thương hiệu riêng và còn thiếu chiến lược tiếp cận thị trường Anh một cách hiệu quả.

Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần - Ảnh 4.

Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh

Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và để nâng cao thị phần tại thị trường Anh, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược xúc tiến thương mại bài bản, tận dụng công nghệ để tối ưu chu trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và xây dựng liên kết thị trường. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu và xu hướng tiêu dùng tại thị trường để từ đó, đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín, vị trí trên thị trường để nâng cao giá trị xuất khẩu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, chia sẻ ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Cảnh Cường - cựu Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh cho biết, doanh nghiệp Việt còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là trong việc tìm hiểu, xác minh thông tin đối tác giao dịch. Thậm chí, đã có trường hợp doanh nghiệp không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt nhiều làm việc nên không cập nhật tình hình sức khỏe tài chính của đối tác. Khi biết đối tác chuẩn bị phá sản mới ngã ngửa, gây thiệt hại lớn về tài chính. 

"Doanh nghiệp không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của khách hàng, đối tác, kể cả khách hàng, đối tác truyền thống để không đưa mình vào những tình huống rủi ro và tổn thất lớn", ông Cường khuyến cáo./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước