Còn nhiều cơ hội cải thiện tăng trưởng
Bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều gam màu trầm, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô bị kéo giảm. Dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, GDP quý 3 giảm sâu. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng qua, GDP vẫn tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao với trên 18% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Xuất khẩu - Động lực tăng trưởng trong quý 4
Chính phủ đồng hành, doanh nghiệp linh hoạt. Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa đã giữ được tăng trưởng và tăng ở hầu hết các thị trường trọng điểm.
Ngay khi được nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc để nắm bắt cơ hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Quý 4 này cũng là cao điểm các nước nhập khẩu cho mùa lễ cuối năm. Vì vậy, ngay khi được nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc để nắm bắt cơ hội.
Thời gian qua, bạn hàng của Tổng Công ty May 10 ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản luôn đặt câu hỏi: Khi nào doanh nghiệp này mới ổn định được sản xuất? Nếu vẫn không ổn định được, có thể họ sẽ rút đơn hàng. Chính vì vậy, quyết định nới lỏng giãn cách của TP Hà Nội thời gian qua với doanh nghiệp này là rất đáng mừng, rất kịp thời để doanh nghiệp có câu trả lời với bạn hàng và yên tâm sản xuất, xuất khẩu.
"Ngay sau khi Chính phủ xác định sống chung với dịch, TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, chúng tôi đã dồn toàn bộ nguồn lực, linh hoạt kế hoạch sản xuất để kịp đáp ứng đơn hàng đã bị ảnh hưởng tiến độ", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết.
3 tháng qua, tuy có giảm so với những tháng trước, nhưng tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng gần 19% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong tháng 9, cán cân thương mại đã quay trở lại vị thế xuất siêu 0,5 tỷ USD.
"Các nền kinh tế lớn cũng đang kiểm soát dần được dịch bệnh. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi và có sự phục hồi mạnh mẽ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN và Việt Nam cũng cần lưu ý nên tập trung vào các giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực", Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng Cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong nhấn mạnh.
Tổng cục Thống kê nhận định, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc khi nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, đặc biệt là ở phía Nam và độ bao phủ vaccine cho người lao động đang ngày càng rộng hơn.
Tạo đà tăng trưởng từ đầu tư công
Bên cạnh xuất khẩu, một lực đẩy quan trọng Việt Nam có thể chủ động là đầu tư công. Chỉ còn 4 tháng nữa, kỳ giải ngân vốn đầu tư công của năm nay sẽ kết thúc. Tuy nhiên, hiện tiến độ giải ngân nguồn vốn này mới chỉ đạt hơn 219.000 tỷ đồng, tương đương hơn 47% so với tổng vốn đầu tư công Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, để giải ngân hết 240.000 tỷ đồng đang chờ, phần việc còn lại là rất lớn. Việc dư đọng một nguồn vốn lớn của đầu tư công không chỉ đang gây lãng phí nguồn lực phát triển, mà còn không tạo đà phát triển cho nền kinh tế.
Gói thầu xây lắp số 10, đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía đông được đầu tư từ nguồn vốn công. Sau hơn 10 tháng thi công, phần lớn các hạng mục xây đúc, hầm, cầu cống đã đạt và vượt tiến độ.
Tuy nhiên nhìn tổng thể, gói thầu này đang có nguy cơ chậm tiến độ, bởi gói thầu cần 2 triệu m3 đất đắp đường, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn cung cấp.
Sử dụng phần lớn nguồn vốn đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân do Bộ trưởng làm Tổ trưởng. Đến nay, Bộ đã giải ngân vốn đầu tư công được gần 27.000 tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch.
"Chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý giải ngân trong toàn ngành, để hàng tháng có thể điều chỉnh toàn bộ kế hoạch giải ngân", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Danh Huy cho hay.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện mới có 4 bộ, 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Còn 76 trên tổng số 114 ban, bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
"Giao quyền quyết định cho người đứng đầu tự quyết định công trình nào vào trước, công trình nào vào sau để tránh tình trạng gây áp lực không đáng có lên chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nêu ý kiến.
Như vậy, với nguồn vốn 240.000 tỷ đồng từ đầu tư công từ nay đến hết kỳ giải ngân năm, nếu giải ngân hết sẽ đóng góp 6 - 7% cho GDP. Con số này mới tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP.
Trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng cho nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, đầu tư công sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế, bởi thúc đẩy đầu tư công không chỉ tạo ra những sản phẩm, công trình tạo phục vụ cho phát triển đất nước, mà còn tạo đà cho nhiều ngành mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho quý 4 và cả năm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh".
Sáng nay (1/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế những năm tới. Mục tiêu là xây dựng một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn, phù hợp với năng lực nội tại, tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!