Niên vụ cà phê 2023 - 2024, từ dự báo giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng. Lần đầu tiên giá cà phê robusta trên sàn giao dịch London ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê robusta còn cao hơn cả cà phê arabica.
Tại Việt Nam giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Đây là lý do sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.
Các chuyên gia dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam vài năm tới sẽ tăng nhiều. Trong 2 năm gần đây sự đầu tư chăm sóc vườn cây của người nông dân được tốt hơn do giá cà phê tăng cao. Hơn nữa, Đề án tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (giai đoạn 2014-2022) đã có hiệu quả tích cực, năng suất sản lượng vườn cây tăng cao.
Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng chưa thống kê được, nếu không khuyến cáo kịp thời sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa cà phê trong những năm tới.
Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục 5,43 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Năm 2024, thị trường cà phê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có tiền lệ, giúp nông dân thắng lới nhưng cũng không ít doanh nghiệp "sa cơ" và tổn thất không nhỏ. Thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững.
Theo một số chuyên gia, nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu. Từ phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!