Vào thời điểm thế giới đang hướng đến các giải pháp năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đang quay trở lại phát triển điện hạt nhân và tăng cường đầu tư vào sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân, sau nhiều năm giảm đầu tư. Bởi đây vẫn được coi là nguồn năng lượng sạch và có tính ổn định.
Lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, công suất phát điện hạt nhân của thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm nay với khoảng 416 triệu kW. Tính đến nay, có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu hoạt động tại hơn 30 quốc gia. Điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện của thế giới.
Mỹ hiện là quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, khi chiếm khoảng 30% sản lượng điện hạt nhân toàn cầu. Tiếp đến là Trung Quốc, tuy nhiên, với khoảng 40 nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình xây dựng, Trung Quốc được cho là sẽ vượt Mỹ về sản lượng điện hạt nhân trong tương lai gần.
Nga, quốc gia đứng thứ tư về sản xuất điện hạt nhân đang đặt mục tiêu nâng tỷ trọng điện hạt nhân đang chiếm 18% sản lượng điện của cả nước lên thành 25% vào năm 2045.
Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện hạt nhân lên mức 20% vào năm 2040 thay vì mức 5,5% hiện nay.
Tại Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), 22 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã đặt mục tiêu tăng công suất nhà máy điện hạt nhân lên khoảng 1,2 tỷ kW vào năm 2050, cao gấp ba lần mức hiện nay.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy điện hạt nhân, nhằm đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!