Để chuẩn bị đồ cho dịp Tết sắp tới, chị Đỗ Thị Minh Tú (sống tại phường Phú Diễn) cho hay, năm nay gia đình lựa chọn sắm Tết từ sớm. Thay vì đi mua trực tiếp như mọi năm, chị Tú lựa chọn mua trước một vài sản phẩm qua sàn thương mại điện tử và các phiên bán hàng livestream. “Việc mua đồ online khiến tôi tiết kiệm được tiền hơn, áp dụng được nhiều mã giảm hơn khi mua trực tiếp” - chị Tú chia sẻ về trải nghiệm mua hàng.
Ảnh số lượng đơn hàng chị Tú đã đặt gần đây - Nguồn: NVCC
Không chỉ riêng chị Tú, bạn Nguyễn Ngọc Hồng Nhung, sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao cũng lựa chọn mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn thay vì ra cửa hàng trực tiếp. Nhung chia sẻ rằng bạn thường xuyên sử dụng các app mua sắm như Shopee để Tết sẽ mua đồ skincare dự trữ, thức ăn cho mèo, đồ ăn vặt, quần áo mới, đồ trang điểm,...
Số lượng đơn hàng Nhung đã mua trước đó nhằm phục vụ Tết - Nguồn: NVCC
Bên cạnh sự gia tăng mua hàng của người tiêu dùng phục vụ cho dịp Tết, các hộ kinh doanh bán lẻ cũng đang tất bật không kém. Bạn Ngân, trưởng phòng Marketing phụ trách marketing và E-commerce tại Tiin Store - một cửa hàng thời trang nữ có chia sẻ về quá trình shop chuẩn bị phục vụ cho nhu cầu khách tăng cao: “Hiện tại thì bên mình đang triển khai livestream trên các kênh thương mại điện tử bao gồm Shopee và Tiktok với lịch live cố định 2 ca/ ngày, mỗi ca khoảng 2,5 tiếng. Ngoài ra còn các lịch live linh động theo các chiến dịch từ 4 ca/ ngày và các ca live key kéo dài từ 6-12 tiếng”.
Tiin Store trong quá trình chuẩn bị phiên live - Nguồn: NVCC
Ngân chia sẻ thêm, các phiên live thường chiếm khoảng 30% doanh thu online của cửa hàng, và dự kiến sắp tới, cửa hàng sẽ nâng lên cố định 3 ca/ngày để chạy cho dịp Tết, cũng như tăng thời lượng các ca linh hoạt và ca live key để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngoài thời trang, các mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, và mỹ phẩm cũng ghi nhận sức hút mạnh mẽ từ các phiên livestream.
Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng mua sắm Tết 2025" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, mùa mua sắm Tết ở Việt Nam thường đạt cao điểm trong tháng 1 và tháng 2, khi người dân tất bật chuẩn bị cho năm mới. Với các doanh nghiệp, đây là giai đoạn "vàng" để tung ra sản phẩm, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến phân phối để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Phương Nga tại hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025”- Nguồn: Internet
Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 do Metric phát hành, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm, với doanh số và sản lượng sản phẩm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối và đầu năm.
Tăng trưởng doanh số và sản lượng các sàn thương mại điện tử trong quý III/2024 Ảnh: Metric
Thời điểm Tết là giai đoạn người dân mua sắm, tiêu dùng tại nhà rất nhiều, trong đó, một số ngành hàng quan trọng truyền thống trong ngày Tết có thể kể đến là bia, bánh kẹo, thực phẩm... Đặc biệt hơn, với sự góp sức của công nghệ, các phiên livestream và mua bán trên sàn thương mại điện tử góp phần không nhỏ cho người bán và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!