Thương hiệu là sản phẩm, là hàng hóa của chúng ta được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn. Với sản phẩm gạo thì thương hiệu gạo Quốc gia sẽ giúp định vị vị thế sản phẩm trên trường quốc tế. Đó cũng là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của Việt Nam hiệu quả và bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng thương hiệu gạo cần đồng bộ gồm: sản phẩm tốt; doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn và có hệ sinh thái để gắn kết thành thương hiệu lớn.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Một là có sự định hướng phát triển lâu dài. 2 là cập nhật lại cho phù hợp với xu thế mới nhất là trong các chương trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thương hiệu cũng phải phát triển theo hướng đó".
Một trong những bí quyết giúp đơn vị chiếm lĩnh phân khúc gạo cấp cao ở các thị trường khó tính là xây dựng được thương hiệu riêng, tạo được niềm tin cho khách hàng.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay: "Chúng ta muốn có thương hiệu thành công thì phải sản xuất ra các loại lúa gạo để đáp ứng được khẩu vị của tất cả các phân khúc của những châu lục ở trên thế giới. Và chúng ta phải sản xuất theo yêu cầu của họ. Tức là chúng ta sản xuất theo tín hiệu của thị trường".
Mặt khác, xây dựng thương hiệu gạo cần xây dựng tổng thể sức mạnh cạnh tranh của ngành hàng ở phạm vi quốc tế. Tất cả dựa trên giống lúa tốt, chất lượng hạt gạo tốt.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Chuyên gia Kinh tế cho hay: "Như ST là 1 ví dụ rất là tốt và còn có những loại gạo khác. Thế thì có nhiều nhãn hiệu gạo như vậy sẽ nâng lên tầm thương hiệu gạo Việt".
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp chú trọng đến phân khúc gạo thơm, dẻo. Tuy nhiên, nhiều thị trường tỉ dân như Trung Đông lại chuộng gạo rời, hạt dài. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cũng cần hướng đến tiêu chí đa dạng thị trường để phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!