Nhiều công ty bán lẻ truyền thống cũng đang gặt hái được những kết quả tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh trực tuyến. Một ví dụ rõ ràng nhất có thể kể đến là Walmart - người khổng lồ trong ngành bán lẻ Mỹ, từng gặp không ít khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt từ Amazon.
Chiến lược mà Walmart lựa chọn là dần biến mình thành một khu thương mại ảo, tương tự như đối thủ Amazon.
Mới đây, Walmart đã ký kết thỏa thuận cung cấp không gian cao cấp cho chuỗi cửa hàng Lord&Taylor trên trang web của mình. Hãng cũng thu hút được rất nhiều thương hiệu bán hàng xa xỉ trực tuyến như Jet, Shoebuy, Bonobos và Hayneedle, qua đó tiếp cận nhóm khách hàng thượng lưu vốn ít khi mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ của Walmart.
Bên cạnh đó, Walmart cũng đã đầu tư 1 tỷ USD nhằm khiến giá sản phẩm của mình có tính cạnh tranh hơn. Một nghiên cứu mới đây của Reuters cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử giá bán lẻ trực tuyến các mặt hàng của Walmart đã xuống gần sát mức giá của đối thủ Amazon, chỉ cao hơn 0,3%. Một kết quả ấn tượng nếu so với mức chênh lệch 3% hồi năm 2016. Quan trọng hơn, việc giảm giá đã được thực hiện một cách nhất quán chứ không chỉ mang tính tạm thời.
Những kết quả thu được rất đáng khích lệ khi thị phần bán lẻ trực tuyến của Walmart tại Mỹ đã tăng từ 2,8% trong năm 2016 lên 3,6%. Mặc dù con số này vẫn là quá khiêm tốn so với thị phần 43,5% của Amazon nhưng nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, những gì Walmart cần làm không phải là soán ngôi đối thủ mà là thuyết phục các khách hàng nhìn nhận Amazon không phải cái tên duy nhất có thể cung cấp hàng hóa trực tuyến với mức giá hấp dẫn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!