Vượt “giông tố” ngoạn mục, kinh tế Việt Nam 2020 đạt nhiều thành tựu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/12/2020 20:55 GMT+7

VTV.vn - Năm 2020 là một năm thách thức chưa từng có với thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua một cách ngoạn mục với những kết quả tích cực.

Tăng trưởng Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới

Năm 2020, đại dịch COVID-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất, trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái thì với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%. Mức tăng trưởng này là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới. Bên cạnh Việt Nam, Indonesia có mức tăng trưởng -5,32%, Thái Lan -12,1%.

Năm 2020, dịch bệnh, thiên tai hoành hành hơn 300 ngày khiến GDP thấp nhất trong nhiều năm với mức tăng trưởng cả năm ở mức 2,91%. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, dịch vụ tăng 2,34%…

Với mức tăng trưởng này, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á.

Liên tiếp trong 4 năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong đó, chất lượng tăng trưởng mỗi năm đều có bước tiến. 2019 - năm thứ hai liên tiếp có 12/12 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó 7 chỉ tiêu vượt; GDP ở mức cao hàng đầu thế giới. Cả hai năm 2018, 2019, GDP đều tăng vượt ngưỡng 7% bất chấp bối cảnh tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu.

Vượt “giông tố” ngoạn mục, kinh tế Việt Nam 2020 đạt nhiều thành tựu - Ảnh 1.

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, bất chấp dịch bệnh và thiên tai. Ảnh minh họa - VGP.

Nỗ lực tăng trưởng

Tăng trưởng không chỉ là riêng GDP, mà còn thể hiện ở các chỉ số về tăng trưởng doanh nghiệp, cơ cấu đóng góp tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, mỗi 1 năm Việt Nam tăng trung bình là hơn 128.000 doanh nghiệp, tức đã tăng khoảng 63% so với giai đoạn trước. Cơ cấu đóng góp của các ngành nghề lĩnh vực cũng đã có sự dịch chuyển đáng kể. Những chỉ số này thể hiện rõ về chất của tăng trưởng.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung. Tăng trưởng nhanh, nhưng quan trọng hơn là thay đổi về chất. Nếu trước đây, tăng trưởng dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, nay tỷ lệ này đã giảm xuống.

Trong khi đó, các ngành chế biến chế tạo đang dần trở thành động lực. Năm 2020 ngành này tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Vượt “giông tố” ngoạn mục, kinh tế Việt Nam 2020 đạt nhiều thành tựu - Ảnh 2.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung. Ảnh minh họa - Dân trí.

Là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với những biến động khó khăn chưa từng có ở mức toàn cầu trong năm nay, các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá cao nội lực của kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi ấn tượng với con số tăng trưởng của Việt Nam bởi vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phải đối mặt với mức độ suy giảm kinh tế của toàn cầu khi các thị trường xuất và nhập khẩu đều bị ảnh hưởng mạnh, nhưng cả hai chiến trường dịch bệnh và kinh tế Việt Nam đều đã làm rất tốt. Điều này là do nội lực và cách điều hành phù hợp linh hoạt của Việt Nam", ông Jean – Jacues Bouflet - Phó Chủ tịch Euro Charm nói.

Nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đang góp phần vào sự tăng trưởng nội lực của Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn.

Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay ở mức 3,23% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và trong vòng cả nhiệm kỳ qua chỉ số này luôn được kiềm giữ dưới 4% đã tạo điều kiện để Việt Nam giữ được ổn định bền vững, tăng trưởng thực chất.

Lạm phát tăng ảnh hưởng đến mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp. Chính vì thế, mục tiêu kiểm soát luôn được đặt ra là nhiệm vụ quan trọng trong điều hành của nhà nước. Nhưng thời gian qua, việc giữ được lạm phát dưới 4% là điều không hề dễ dàng.

Lạm phát là một chỉ tiêu quan trọng trong việc giữ nền kinh tế vĩ mô ổn định. Có sự ổn định mới có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và hiệu quả. Điều này thể hiện qua con số các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thời gian qua.

Vượt “giông tố” ngoạn mục, kinh tế Việt Nam 2020 đạt nhiều thành tựu - Ảnh 3.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức khá cao 28,53%. Ảnh minh họa - Dân trí

Dù dòng vốn đầu tư toàn thế giới sụt giảm nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức khá cao 28,53%. Trong cả 5 năm, Việt Nam thu hút được 167,8 tỷ USD, cao hơn gần 89% số dự án và 67,3% số vốn so với giai đoạn trước đó.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: "Chính phủ đã đưa ra những chính sách đúng đắn, điều đó đang dẫn đến sự quan tâm theo dõi của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi hy vọng rằng sang năm Chính phủ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam phải tận dụng thời gian này thu hút nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam".

Lạm phát luôn được kiểm soát chặt chẽ có nghĩa là thị trường ổn định đó là nền tảng cho tăng trưởng và ngược lại tăng trưởng cũng sẽ nâng sự ổn định lên nấc phát triển mới.

Có thể thấy, năm 2020 là năm vô cùng đặc biệt, khó khăn chồng chất. Để con thuyền Việt Nam vượt qua được giông tố một cách ngoạn mục như vậy đó là nhờ nhưng các chính sách rất linh hoạt, chuẩn xác và kịp thời của Đảng, Nhà nước ta.

Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công. Có lẽ phải nói rằng năm 2020 Việt Nam là một ngoại lệ. Còn như tờ New York Times của Mỹ thì bình luận: "Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước