8 tháng qua, nhiều nhóm hàng nông sản, lâm sản giữ được mức tăng trưởng giúp cho xuất khẩu vẫn đạt 15,4 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực nhất là ngành thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng hơn 7%. Rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 12%. Hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng hơn 15%. Cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 1,1%. Cao su đạt có mức tăng ấn tượng nhất 1,9 tỷ USD, tăng 60%. Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 776 triệu USD, tăng hơn 28%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tháng 8 đang có xu hướng chững lại. Từ nay đến cuối năm, những thách thức đặt ra với xuất khẩu nông sản sẽ là vấn đề cần sớm giải quyết. Nếu không, mục tiêu đạt kim ngạch 45 tỷ USD trong năm nay sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Nhiều nông sản xuất khẩu giữ mức tăng trưởng.
Doanh nghiệp nông sản nỗ lực duy trì sản xuất
Xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm đang đối diện với không ít thách thức là một thực tế. Dễ nhận thấy nhất là những thách thức từ thị trường Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam. Một mặt, Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu. Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm tra để phòng chống COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, điểm sáng xuất khẩu thời gian qua có được phần lớn là nhờ Việt Nam đã tận dụng rất tốt lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới. Hầu hết các thị trường đã kí hiệp định đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng xuất khẩu còn đến từ chính nỗ lực của nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân khi chủ động thay đổi để thích nghi. Tăng cường chế biến và đa dạng hóa thị trường cũng đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Sầu riêng vẫn được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: PLO.
Mỗi miếng sầu riêng đông lạnh có thể được hơn 2 tháng, giá bán 20 - 25 AUD/1kg, cao hơn hẳn xuất quả tươi. Đầu tư kho lạnh và công nghệ cấp đông đã giúp doanh nghiệp Biển Sáng trụ vững giữa đại dịch. Mỗi ngày dây chuyền có thể chế biến 10 tấn thành phẩm, tương đương 30 tấn trái sầu riêng tươi.
Nông sản được bảo quản lâu hơn nghĩa là nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ dồi dào hơn và đi được những thị trường xa hơn, giữ được bạn hàng bền vững hơn.
Ông Nguyễn Bá Trí - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Kho lạnh Biển Sáng cho biết: "Sầu riêng cấp đông vẫn giữ nguyên được chất lượng. Chúng tôi vừa cấp đông quả vừa cấp đông múi".
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 10 ha chanh dây. Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai đã thực hiện chặt chẽ các biện pháp chống dịch từ khâu thu mua, vận chuyển cho đến vận hành nhà máy chế biến. Công ty cho biết bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên dưới 200 tấn chanh dây tươi.
Về lâu dài, để chủ động trong việc tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025. Hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn nông dân với thị trường, giúp các đầu mối sản xuất và xuất khẩu được kết nối trực tiếp.
"Bộ NN&PTNT đã lập ra một bộ phận bắt đầu tích hợp dữ liệu thông qua 63 tỉnh, thành để hình dung trong một thời điểm có bao nhiêu nông sản thu hoạch, sau đó cân đối thông tin và chuyển qua đầu cầu là hệ thống phân phối", ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Đại dịch một lần nữa khẳng định doanh nghiệp nông nghiệp luôn thể hiện được sự linh hoạt trong kinh doanh. Từ đó, góp phần thể hiện vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp với nền kinh tế. Càng khó khăn điều này càng thấy rõ.
Nỗ lực đưa hàng Việt sang Mỹ trong mùa dịch
Hiện nay Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 4 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường có mức tăng trưởng khá nhanh.
Tiếp sau lô xoài tươi Đồng Tháp, mới đây, Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ tiếp tục đưa một lô hàng đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp đây là một nỗ lực không nhỏ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, mở rộng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường lớn nhất thế giới này.
12 tấn hàng đông lạnh đầu tiên của Công ty Tân Đông Food Việt Nam được Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) hỗ trợ xuất khẩu sang Mỹ bằng đường biển. Phần lớn là sầu riêng, đặc sản của Tiền Giang và Đồng Nai với tổng cộng 8 tấn. Ngoài ra còn có ngô luộc, chanh leo và xả bằm.
12 tấn hàng đông lạnh đầu tiên của Công ty Tân Đông Food Việt Nam được Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) hỗ trợ xuất khẩu sang Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ lượng trái cây trị giá 110 triệu USD Mỹ, đạt mức tăng trưởng 44%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so với nhu cầu trái cây nhập khẩu mỗi năm trị giá 14 tỷ USD của nước này.
"Theo tôi thị trường Mỹ hiện còn rất nhiều tiềm năng để cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực trái cây, nông sản tiếp tục khai thác. Trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với VENUSA tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam với các thành viên của Hội. Lô hàng trên là một trong những kết quả cụ thể", ông Trần Minh Thắng - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại TP San Fracisco nói.
Hiện VENUSA đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ tiến hành tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu để không chỉ đưa hàng hóa của Việt Nam vào những nơi có đông người gốc Á, mà còn cả thị trường dòng chính tại Mỹ, góp phần nâng cao giá trị và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!