Tuy nhiên, trong những lần chinh phục không thành công đỉnh mọi thời đại trước đây, thị trường đều chứng kiến những pha lao dốc mạnh.
Theo thống kê các ngưỡng tâm lý VN-Index đều rất khó để chinh phục. Ví dụ ngưỡng 600 điểm trong giai đoạn 2009 - 2015 cần hơn 5 lần, ngưỡng 1.000 điểm trong giai đoạn 2018 - 2020 cần tới 7 lần. Vậy với ngưỡng 1.200 điểm, 4 lần liệu đã đủ chinh phục?
"Cuộc họp FED xác nhận lãi suất không tăng trong thời gian tới. Còn trong nước kết quả kinh doanh quý I ngành ngân hàng sẽ rất tích cực. Quá trình tiêm vaccine đẩy nhanh cũng đang đem lại kỳ vọng khá tích cực", bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI nói.
(Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, CTCP Chứng khoán KBSV cho biết: "Chúng ta chưa hết tuần. Người ta vẫn nói 30 chưa phải là Tết, còn cơ cấu quỹ ETF nữa, đóng cửa tuần dưới 1.200 điểm chưa nói lên gì cả, có thể là dạo chơi 1.200 điểm chút thôi. Giành 1.200 điểm đã khó, giữ được còn khó hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta vượt đỉnh bằng 1 chân do nghẽn hệ thống".
"Đợt tới này thị trường sẽ lên và lên tương đối, tìm cổ phiếu tốt nắm giữ đấy là phương thức tốt nhất ở bất kể thời điểm nào. Phải tìm cổ phiếu tốt còn cứ đầu cơ lướt đi lướt lại mất phí lãi không đáng bao nhiêu", ông Trần Tiến Dũng - nhà đầu tư chuyên nghiệp nói.
Dù trong ngắn hạn, quan điểm "vượt đỉnh" còn nhiều mâu thuẫn, nhưng các thành viên thị trường đều tin trong trung và dài hạn VN-Index sẽ hướng đến 1.300 điểm.
Tuy nhiên, đây là cả một lộ trình, sẽ có những lúc chỉ số giảm mạnh, kiểm tra lại thậm chí thủng ngưỡng 1.200 điểm. Càng lên cao, áp lực bán của nhà đầu tư tổ chức đã gom hàng từ 900 - 1.000 điểm sẽ càng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!