Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư ngoại

Xuân Quỳnh - Linh Hương -Thứ sáu, ngày 06/06/2014 10:59 GMT+7

5 tháng đầu năm 2014, lượng giải ngân của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam tăng 0,4%. Số vốn đăng ký đầu tư lại chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ 2013.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay bản thân sự giảm này cũng đang được cải thiện. Bất chấp những khó khăn hiện nay, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn tốt của các nhà đầu tư ngoại.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2014 với 4 tháng đầu năm 2013 giảm tới 49%. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, mức giảm này đã chỉ còn là 34% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài này đang gia tăng trong tháng 5.

Trong khi vốn đăng ký giảm đi thì khối lượng giải ngân vốn FDI lại tăng 0,4% lên 4,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2014. Các chuyên gia nhận định, đây mới chính là yếu tố thực phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư ngoại.

‘ Chứng kiến nhiều hoạt động thượng nguồn của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, khối ngoại cho rằng, lĩnh vực này đang có nhiều lợi thế nhất. Ảnh: báo Tin tức

Ông Nguyên Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhận định: “Vốn giải ngân tăng cho thấy sự an tâm của các nhà đầu tư và triển vọng mở rộng hơn nữa quy mô kinh doanh của họ”.

Lý giải vì sao dòng vốn FDI lại giảm so với năm ngoái, ông Phong cho rằng, sở dĩ FDI năm 2013 cán đích ấn tượng 21,6 tỷ USD như vậy là do sự xuất hiện của những dự án khổng lồ - điều mà khó có thể xảy ra đều đặn hàng năm. Song không vì thế mà các chuyên gia bi quan về dòng vốn năm nay.

Nhận định về lượng vốn đầu tư nước ngoài từ nay đến cuối năm, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng những sự việc đáng tiếc xảy ra tại Bình Dương hay Vũng Áng - Hà Tĩnh có thể khiến các nhà đầu tư e dè khi rót vốn hay thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đáp lại những ý kiến này, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 vừa qua, Hiệp hội thương mại của một số quốc gia, trong đó có cả những doanh nghiệp Đài Loan đã khẳng định sự gắn kết của họ với thị trường Việt Nam, chính nhờ sự khẩn trương và quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại. 99% các doanh nghiệp bị hại đã trở lại hoạt động bình thường, điều đó cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn được giữ vững.

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Các nhà đầu tư nước ngoài họ cũng tỉnh táo nhìn nhận và thấy rõ phản ứng của Việt Nam. Việt Nam bảo hộ các nhà đầu tư FDI bằng pháp luật của mình”.

Bản báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2014 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng cũng nhận định, căng thẳng Biển Đông hiện nay sẽ không ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam, bởi lẽ đa phần số FDI hiện nay tại Việt Nam đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan. Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ. Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp I hơn là mối quan hệ đầu tư. Và tương lai, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước