Là khu vực đồng bằng châu thổ lớn thứ ba trên thế giới, ĐBSCL đóng góp trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Những năm trở lại đây, khu vực này hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn. Từ năm 2009, Hà Lan và Việt Nam đã cùng hợp tác trong Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long vì sự phát triển bền vững của khu vực này. Nhiều dự án đã được triển khai và gần đây nhất là dự án nghiên cứu về việc sử dụng nước ngầm và sụt lún đất tại ĐBSCL.
Trong biểu đồ về mối quan hệ giữa tình trạng khai thác nước ngầm trong 25 năm qua tại khu vực ĐBSCL có thể thấy rằng, mực nước của các tầng chứa nước ngầm đang giảm dần và đồng thời tình trạng sụt lún cũng tăng lên. Theo kết quả của dự án nghiên cứu về sụt lún tại ĐBSCL, khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún tại khu vực này.
Dựa vào các số liệu thu thập được, các chuyên gia thuộc Dự án nghiên cứu về sụt lún tại ĐBSCL đã xây dựng thành công mô hình 3D để đánh giá tình trạng sử dụng nước ngầm tại khu vực ĐBSCL trong suốt 25 năm qua. Dự án này được thực hiện dưới sự hợp tác của Đại học Utrecht, Viện nghiên cứu Deltares, Hà Lan và trường Đại học Cần Thơ và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Nam. Đây là một trong nhiều dự án của Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!