Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công

Sự kiện và Bình luận-Thứ bảy, ngày 02/01/2021 11:15 GMT+7

VTV.vn - Có lẽ phải nói rằng năm 2020, Việt Nam là một ngoại lệ, tiếp tục thể hiện vai trò là trung tâm của dòng chảy thương mại, tự cường trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng trưởng GDP năm 2020 gần 3% tiếp tục củng cố vị thế kinh tế Việt Nam - một trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới dù phải đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID 19.

Những chủ trương và chính sách điều hành linh hoạt, chuẩn xác và kịp thời của Đảng và Chính phủ đã đưa con thuyền Việt Nam vượt giông tố ngoạn mục và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Tăng trưởng về chất

Một trong những điểm tựa từ nội lực của nền kinh tế đó chính là "sức khoẻ" của các doanh nghiệp, thể hiện ở các chỉ số về tăng trưởng doanh nghiệp, cơ cấu đóng góp tăng trưởng của các lĩnh vực trong nền kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, mỗi năm, Việt Nam tăng trung bình là hơn 128.000 doanh nghiệp/năm, tức là đã tăng khoảng 63% so với giai đoạn  trước. Cơ cấu đóng góp của các ngành nghề lĩnh vực cũng đã có sự  dịch chuyển đáng kể, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Những chỉ số này thể hiện rõ về chất của tăng trưởng.

Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự trụ vững và được đánh giá là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa - VGP.

Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung.Tăng trưởng nhanh, nhưng quan trọng hơn là thay đổi về chất. Nếu trước đây, tăng trưởng dựa khá nhiều vào khai thác tài nguyên, thì nay tỷ lệ  này đã giảm xuống. Trong khi đó, các ngành chế biến chế tạo đang dần trở thành động lực. Năm 2020 ngành  này tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Tăng trưởng của nền kinh tế dần dần đã có những thay đổi hết sức tích cực chuyển biến hết sức thiết thực là chuyển dần sang đóng góp phần lớn của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vì chúng ta thấy rằng 3 năm liền từ năm 2017-2018-2019, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo luôn ở mức cao có những năm là cao đến tận 2 con số thì đấy là để thể hiện cho thấy sự chuyển đổi trong mô hình tăng trưởng là rất rõ nét".

Là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với những biến động khó khăn chưa từng có ở mức toàn cầu trong năm nay, các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá cao nội lực của Việt Nam.

Ông Jean-Jacues Bouflet, Phó Chủ tịch EURO CHARM, nhận định: "Mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay cao so với bối cảnh cả thế giới đang bị dịch COVID-19 tàn phá. Chúng tôi ấn tượng với con số này bởi vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phải đối mặt với mức độ suy giảm kinh tế của toàn cầu khi các thị trường xuất và nhập khẩu đều bị ảnh hưởng mạnh, nhưng cả hai chiến trường dịch bệnh và kinh tế Việt Nam đều đã làm rất tốt điều này là do nội lực và cách điều hành phù hợp linh hoạt của Việt Nam".

Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công - Ảnh 2.

Bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức gần 3% trong năm 2020. (Ảnh: Dân trí)

Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2021

Đại dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Song những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn cầu  đang thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi.

Năm 2021 được các chuyên gia dự báo là năm của sự phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19 với kịch bản khả quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế này sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng.

Đại dịch COVID-19 trong năm nay đã khiến các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Song những biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn cầu  đang thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi.

Các chuyên gia kinh tế đang hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về thành công của các chương trình chủng ngừa vaccine COVID-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Xinhua.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,2 % trong năm 2021, trong khi các ngân hàng lớn nhất phố Wall như Morgan Stanley có quan điểm lạc quan hơn cả khi dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,4%, đồng thời giữ kỳ vọng về một sự phục hồi dạng chữ V.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế giữa các khu vực sẽ khác nhau đáng kể tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Các chuyên gia kinh tế tin tưởng châu Á và các thị trường mới nổi có khả năng hoạt động tốt hơn các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực này sẽ là 6,8 % trong năm 2021, trong đó đi đầu phải kể đến là Trung Quốc  được dự báo là sẽ tăng tốc đạt mức tăng trưởng cả năm 8,2%.

Ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc, nhận định: Các động lực nội sinh của nền kinh tế như tiêu dùng cá nhân và đầu tư sản xuất sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới".

Tăng trưởng tại khu vực Nam Á được kỳ vọng khôi phục ở mức 7,2% vào năm nay, trong đó Ấn Độ ở mức 8,0%. Còn khu vực Đông Nam Á hiện được kỳ vọng tăng trưởng 5,2% trong đó kinh tế Việt Nam được cho là hồi phục mạnh nhất. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng của nước ta ở mức khoảng 6,8%.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ được dự báo tăng trưởng 3,2 % nhờ vào các gói hỗ trợ kinh tế sẽ giúp tăng thu nhập và chi tiêu hộ gia đình, đồng thời chính sách tiền tệ phù hợp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2021 sẽ phục hồi chậm hơn so với dự báo ban đầu. Dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 3,9 % nhờ triển khai nhiều biện pháp kích thích kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế dự báo cần phải tới sau năm 2022, kinh tế thế giới mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch.

Những dự báo nào cho triển vọng kinh tế năm sau? Mời quý vị và các bạn theo dõi những phân tích và đánh giá cụ thể tại trường quay cùng 2 vị khách mời là ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 2/1/2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước