Việt Nam có sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài

Như Anh-Thứ sáu, ngày 08/08/2014 08:38 GMT+7

Theo Fitch, Việt Nam đang là một trong những quốc gia châu Á có sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài, đồng thời nền kinh tế trong nước đã có những chuyển mình lớn trong 3 năm qua.

Trong báo cáo tín nhiệm châu Á - Thái Bình Dương mới đây, cơ quan đánh giá tín nhiệm toàn cầu Fitch đã xếp Việt Nam vào một trong hai nước duy nhất trong khu vực được đánh giá tín nhiệm tích cực ở mức B+. Cơ quan này nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia châu Á có sức hút lớn đối với đầu tư nước ngoài, đồng thời nền kinh tế trong nước đã có những chuyển mình lớn trong 3 năm qua.

Phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh đã có cuộc phỏng vấn với ông Andrew Colquhoun, Trưởng phòng châu Á - Thái Bình Dương về sự kiện này.

Những yếu tố nào khiến Việt Nam là một trong hai quốc gia duy nhất được Fitch đánh giá tích cực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Ông Andrew Colquhoun: Yếu tố quan trọng nhất đó là sự thay đổi rõ rệt trong các chính sách kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là từ tháng 2/2011 sau vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin phá sản. Đây là cột mốc quan trọng đối với kinh tế Việt Nam vì nền kinh tế sau đó đã từng bước lấy lại thăng bằng. Kể từ năm 2011, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng được củng cố và ổn định hơn, dự trữ ngoại hối đến tháng 5 vừa qua đã đạt 35 tỉ USD và đã có thặng dư tài khoản vãng lai. Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng đang tăng, nhu cầu trong nước cũng ngày càng mạnh. Đây là những yếu tố chính khiến Việt Nam là một trong số ít nước châu Á được Fitch đánh giá tín nhiệm tích cực.

Fitch đề cao tầm quan trọng của môi trường kinh doanh và đầu tư ở các nước châu Á, vậy ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?

Ông Andrew Colquhoun: Nếu bạn nhìn vào chỉ số môi trường đầu tư do Ngân hàng Thế giới thống kê, bạn sẽ thấy so với các nước trong khu vực, Việt Nam có những thế mạnh nhất định trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Dân số Việt Nam hiện vào khoảng 90 triệu người và đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì đây là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Đây chính là lý do chúng tôi cũng đánh giá Việt Nam có sức hút đầu tư mạnh hơn các nước nằm trong cùng nhóm tín nhiệm B.

Thêm vào đó, diễn biến chính trị trên Biển Đông trong thời gian qua theo chúng tôi chỉ có tác động ngắn hạn và không ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam, cũng như đánh giá tín nhiệm tích cực của Việt Nam.

Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam còn cần vượt qua những hạn chế nào để có mức đánh giá tín nhiệm tốt hơn nữa?

Ông Andrew Colquhoun: Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để đạt được mức tín nhiệm cao hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2014 này chúng tôi có dự báo khá tích cực về kinh tế Việt Nam, cụ thể chỉ số GDP sẽ là 5,7%, đây cũng là mức tăng trưởng khá tốt so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước