Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Lo lắng là tâm lý chung của những công ty và cá nhân gửi tiền tại Silicon Valley Bank. Đây vốn là ngân hàng chuyên cung cấp vốn cho các công ty công nghệ vay tiền, cung cấp nhiều dịch vụ cho vốn mạo hiểm. Cổ phiếu ngân hàng này hiện đã bị đình chỉ giao dịch, sau khi giảm 60% trong phiên giao dịch hôm qua (10/3).
"Sáng nay tôi đến nói chuyện với ngân hàng để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra và tìm hiểu những lựa chọn mà chúng tôi có, nhưng họ vừa ra ngoài và nói với chúng tôi rằng ngân hàng đã ngừng hoạt động. Tôi nghĩ họ đang cố gắng tìm ra cách thức giải quyết, có thể là vào thứ Hai", ông Dean Nelson, Giám đốc điều hành Cato.Digital, cho biết.
Lo lắng là tâm lý chung của những công ty và cá nhân gửi tiền tại Silicon Valley Bank. (Ảnh: Bloomberg)
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank bắt nguồn từ việc đầu tư quá nhiều vào trái phiếu. Đồng thời, ngân hàng này tiêu tốn khá nhiều tiền vào các khoản đầu tư mạo hiểm nhưng không có lãi.
"Ngân hàng vốn được coi là một trong những nơi an toàn nhất. Đây không phải là một vụ cá cược lớn. Chúng tôi không đặt tất cả tiền bạc của công ty mình vào tiền điện tử. Chúng tôi đặt nó vào một ngân hàng được đánh giá cao mà hầu hết mọi công ty công nghệ khởi nghiệp đều hợp tác", ông Stefan Kalb, Giám đốc điều hành Shelf Engine, cho hay.
Một điều lo ngại là sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ, lòng tin của người gửi tiền bị lung lay. Trước mắt, thông tin về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank đã khiến cổ phiếu một loạt các ngân hàng hàng đầu thế giới như: JPMorgan Chase, Bank of America, HSBC, Standard Chartered, Barclays đều giảm giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!