Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt. Dự thảo mới quy định tỷ lệ tối đa vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại Fintech trung gian thanh toán là 49% vốn điều lệ.
Nếu dự thảo được thông qua, thì mức trần 49% này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực trung gian thanh toán, không phải với tất cả các Fintech hay các Starup, tức các ví điện tử hay cổng thanh toán sẽ không thể gọi vốn nước ngoài vượt quá mức 49%.
Theo lý giải của NHNN, trung gian thanh toán là ngành kinh doanh có điều kiện. Quy định này được đưa ra nhằm tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán, bảo đảm vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước. Quan trọng hơn là để bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính và an ninh tiền tệ quốc gia.
Hiện nhóm 5 công ty fintech sở hữu các trung gian thanh toán lớn nhất là: Momo, Payoo, Moca, Senpay và Airpay đang chiếm 90% thị phần, có tác động rất lớn tới thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là các công ty có vốn đầu tư ngoại lớn, trên 30%. Chẳng hạn như Momo, tổng mức đầu tư ngoại là hơn 66%. Một số DN nhỏ hơn cho rằng, với tiềm lực vốn mạnh, các DN có vốn ngoại có thể tung khuyến mại, gây sức ép cho DN nhỏ.
Ý kiến khác lại cho rằng dự thảo này có thể lại tạo ra một lợi thế vô hình cho nhóm các doanh nghiệp lớn. Vì các Fintech thanh toán đã được cấp phép, sẽ được duy trì vốn ngoại cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn giấy phép.
Trên thực tế, việc siết room ngoại đã được đề cập từ cuối năm 2018, con số giới hạn thậm chí còn được dự kiến ở mức 30%, tương đương với mức đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng. Đề xuất mới đưa ra đã được nới lên 49%, đủ để tạo mức hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại rót vốn.
Theo các chuyên gia, vốn cho doanh nghiệp tại thời điểm này không hẳn là vấn đề khó nhất là khi ngày càng có nhiều tên tuổi lớn trong nước như: Viettel, VNPT hay Vingroup quan tâm tới mảng dịch vụ này. Vấn đề quan trọng là mô hình đầu tư của doanh nghiệp có đủ hấp dẫn dòng vốn hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!