Nguồn cung từ việc tái đàn lợn trong ngắn hạn chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước đây. (Ảnh: Dân trí)
Sau một thời gian ngắn giá lợn hơi giảm còn dưới 80.000 đồng/kg thì vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng trở lại, lên mức 80.000 - 82.000 đồng/kg. Trong khi đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, việc tái đàn lợn đang diễn biến tốt, nguồn cung lớn sẽ kéo giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg. Vậy vì sao giá lợn tăng trở lại?
Người chăn nuôi tái đàn rất khó khăn
Anh Nguyễn Hữu Thái, chủ trại lợn ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: Lúc này, giá lợn tốt nhưng anh không có lợn để bán và cũng không dám nhập lợn giống để tái đàn. Nguyên nhân là do mới đây đàn lợn của anh bị dịch tả lợn châu Phi tái phát dẫn đến thua lỗ.
"Đợt trước 300 con lợn của tôi bị dịch tả lợn châu Phi, mỗi con khoảng 65 kg. Tôi bị lỗ nên đợt này tôi cũng không dám nhập lợn con nữa, tôi sợ bị dịch bệnh. Nếu bị dịch bệnh, tôi sẽ lỗ bạc tỷ vì giá lợn giống hiện nay rất cao, 4,5 triệu/con 22 kg", anh Thái nói.
Hiện nay, Đồng Nai đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi nhưng thực tế vẫn còn nhiều trại chăn nuôi bị tái phát bệnh. Một số trại lợn bị dịch bệnh phải bán lợn nhỏ để chạy dịch. Chính vì vậy mà nguồn cung lợn hơi hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường khiến giá lợn tăng. Còn nguồn cung lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan hiện cũng không nhiều do doanh nghiệp hạn chế nhập vì không có lời.
Trại lợn công nghiệp ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, việc nhập lợn từ Thái Lan vừa qua chỉ góp phần làm giá lợn hạ nhiệt vào thời điểm giá lợn hơi gần chạm mốc 100.000 đồng/kg. Khi giá lợn hơi trong nước xuống dưới 80.000 đồng/kg thì nhiều doanh nghiệp ngừng nhập khẩu vì không có lợi nhuận. Trong khi đó, tái đàn hiện nay chưa thành công như mong đợi.
"Việc tái đàn không chỉ hộ chăn nuôi nhỏ mà một số trang trại chăn nuôi lớn năm ngoái không bị dịch tả lợn châu Phi nhưng năm nay lại bị, bị rất nhanh, có trường hợp trại cả trăm con nái mới nhập trong vòng 1 tháng bị dịch bệnh, lợn chết hết", ông Nguyễn Kim Đoán cho hay.
Mục tiêu tái đàn lợn của Đồng Nai đến cuối năm nay là nâng tổng đàn lên 2,5 triệu con. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai thừa nhận việc tái đàn lợn rất khó khăn dù ngành Thú y hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn: "Ngành thú y cũng hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Tỉnh khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi lớn, chăn nuôi quy mô công nghiệp. Các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giấy phép thủ tục đất đai, thiết kế, giấy phép xây dựng trang trại, kể cả vay vốn đầu tư…".
Chưa có giải pháp đồng bộ về nguồn cung thịt lợn
Thực trạng tái đàn và nguồn cung lợn hiện nay ở Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi ở khu vực phía Nam cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, việc tái đàn lợn đang diễn biến tốt, nguồn cung lớn sẽ kéo giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua thịt lợn ở siêu thị.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, giá lợn hơi tăng trở lại mấy ngày nay là câu trả lời của thị trường về thực tế nguồn cung lợn hơi hiện nay. Nguồn cung có tăng nhưng chưa đáp ứng tốt được cầu của thị trường nên giá tăng. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong dân và tổng đàn lợn thế nào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nắm được. Nhưng cả năm nay, Bộ để cho người dân phải mua thịt lợn với giá cao là chưa làm hết trách nhiệm, thụ động trong việc giải quyết nguồn cung và chưa có giải pháp đồng bộ.
"Nếu ngay lúc đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Bộ Công Thương có kế hoạch cho nhập thịt lợn đông lạnh để chuẩn bị cho nguồn cung cho thiếu hụt thì sẽ sớm cân bằng được cung cầu. Chứ đến khi thịt lợn thiếu quá, giá vọt tăng cao thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới làm, điều này thiếu khoa học về thị trường và cũng không loại trừ lợi ích nhóm trong việc nhập khẩu thịt lợn", Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nêu ý kiến.
Theo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn, thời gian tới, thịt lợn hơi tiếp tục giữ ở mức giá cao và có thể tiếp tục tăng nếu các bộ, ngành chức năng không chủ động tìm thêm nguồn cung khác ngoài nguồn lợn nuôi trong nước. Vì thực tế, nguồn cung từ việc tái đàn lợn trong ngắn hạn chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!