Vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 28/03/2025 15:05 GMT+7

Tự động phát sau
3
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó hơn 300 doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị, phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 10 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó hơn 300 doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tương đương khoảng 15%.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu giảm trong những năm qua. Tỷ lệ này hiện nay là 15%, giảm so với mức 18% của năm 2023. Và nếu so với thời điểm năm 2009 thì còn chưa bằng một nửa.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? - Ảnh 1.

Trong suốt những năm qua, số lượng doanh nghiệp nói chung của cả nền kinh tế tăng nhanh hơn nên tỷ trọng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng nhỏ. Điều này cũng có thể phản ánh rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với nhu cầu.

Trên thực tế, một sản phẩm công nghiệp như ô tô, máy móc sẽ cần đến hàng trăm, hàng nghìn linh kiện. Mỗi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ có thể cung cấp được một vài món, do đó mới hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ví dụ như một linh kiện trong dây chuyền lắp ráp ô tô, trước đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải nhập khẩu nguyên chiếc 100% từ Hàn Quốc. Dù trông đơn giản nhưng linh kiện đòi hỏi tiêu chuẩn chính xác rất cao, khuôn rập phải rất chính xác. Đến nay, các doanh nghiệp trong nước sản xuất được cũng phải đầu tư máy móc hàng trăm nghìn USD. Yêu cầu ngày càng khắt khe khiến các doanh nghiệp nội địa khó có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? - Ảnh 2.

15 năm trước, một doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận và mong muốn trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho Honda Việt Nam. Cơ sở vật chất và quy trình quản lý lúc đó không đạt yêu cầu và phải nhờ đối tác hỗ trợ đào tạo. Đến nay, để cung ứng linh kiện cho những sản phẩm cao cấp hơn thì doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp tiêu chuẩn.

Năm ngoái, số lượng doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo thành lập mới chỉ chiếm 15%. Dù đứng thứ hai nhưng vẫn thấp hơn nhiều khu vực dịch vụ.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? - Ảnh 3.

Số lượng đã ít nhưng lại có đến hơn 80% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có nhiều lợi thế cạnh tranh cả về quy mô, nguồn lực.

Giá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam biến động còn do phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu, ảnh hưởng càng rõ nét hơn. Có doanh nghiệp chia sẻ, giá nhôm nguyên liệu đã tăng tới 13% so với cuối năm ngoái, khiến họ phải tính tới việc tăng giá bán.

Tăng nguồn cung lao động có kỹ năng

Việt Nam trước giờ vẫn được đánh giá có lợi thế về nhân công dồi dào, chi phí lao động thấp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong một giờ đồng hồ, một lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam tạo ra 6,7 USD giá trị gia tăng. Trong khi đó, lao động tại Trung Quốc tạo ra 14,4 USD, thậm chí của Philippines và Malaysia còn cao hơn. Đây là số liệu của năm 2022. Mặt bằng tiền lương cho công nhân ngày càng tăng nhưng năng suất chưa tăng theo kịp lại có thể xói mòn năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thiếu hụt lao động có tay nghề, có kỹ năng là nguyên nhân chính khiến ảnh hưởng đến năng suất. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lao động có kỹ năng ở Việt Nam chỉ khoảng 13%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác tại châu Á như Philippines trên 40%, Singapore gần 50%. Đây cũng là vướng mắc mà các doanh nghiệp cần giải quyết để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? - Ảnh 4.

Một doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất các máy móc tự động hoá được hơn 10 năm. Liên tục tuyển dụng lao động mới nhưng doanh nghiệp không dễ để tìm kiếm được những ứng viên phù hợp.

Đứng thứ hai cả nước về chỉ số "Đào tạo lao động", Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như: đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, kết hợp cùng các tập đoàn FDI đưa lao động đi học việc ở nước ngoài, hỗ trợ học phí.

Ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cho rằng: "Một trong những chính sách mà chúng tôi đặt ra niềm tin và thấy rõ kết quả phát huy tác dụng đó là thông qua nghị quyết đặc thù của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ học phí cho các đối tượng học sinh, sinh viên từ hệ đào tạo trung cấp đến đại học và hỗ trợ cho các đối tượng các nhà khoa học, các giảng viên có trình độ cao, chất lượng cao về giảng dạy các trường trên địa bàn tỉnh đối với tất cả các ngành mà nghị quyết HĐND quy định".

Đào tạo trên ghế nhà trường thôi là chưa đủ, trong suốt quá trình hoạt động, để đạt những tiêu chuẩn cao hơn, sản xuất những sản phẩm khó hơn thì đào tạo nội bộ là yếu tố quan trọng nhất.

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn", đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch, nhằm bổ sung thêm nguồn cung chất lượng cao cho thị trường lao động.

Tại Chỉ thị số 10, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 về dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, báo cáo Chính phủ trong quý II này.

Nhiều quốc gia cũng đã lựa chọn các sản phẩm công nghiệp chú trọng. Ví dụ như Thái Lan, họ ưu tiên sản xuất dòng xe ô tô chiến lược, có tỷ lệ nội địa hoá cao bằng cách giảm thuế, từ đó giá giảm, người dân mua nhiều, doanh nghiệp sản xuất bán được nhiều xe hơn, doanh nghiệp Thái Lan lại được tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô Thái Lan đã lên đến 90%, trong khi ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn 10%. Do đó, xác định được những sản phẩm công nghiệp trọng điểm sẽ là cơ sở để chúng ta "may đo" những chính sách phù hợp với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam là nguồn cung ứng tín chỉ carbon đầy tiềm năng Việt Nam là nguồn cung ứng tín chỉ carbon đầy tiềm năng

VTV.vn - Việt Nam đang sở hữu tài nguyên đất đai lớn với khí hậu đa dạng và được cho là nguồn cung ứng tín chỉ carbon đầy tiềm năng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước