Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 26/3, có ý kiến đề nghị giảm 2% thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ và vừa so với mức hiện hành, để khuyến khích khu vực này phát triển.
Hiện các doanh nghiệp chịu mức thuế suất thu nhập là 20%, trừ trường hợp nhóm được hưởng ưu đãi. Việc giảm 2% thuế thu nhập sẽ có ý nghĩa lớn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển bền vững, lâu dài.
Theo bà Tô Ái Vang, Phó đoàn tỉnh Sóc Trăng, hiện các đơn vị nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trước tác động khó lường lên nền kinh tế khu vực, thế giới, cùng nhiều khó khăn nội tại, việc giảm 2% thuế thu nhập sẽ "có ý nghĩa lớn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển bền vững, lâu dài".
Theo Nghị quyết 10/2017, Việt Nam dự kiến có 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 và số này tăng lên 1,5 triệu năm 2025. Song cả nước hiện mới có gần 1 triệu doanh nghiệp, bằng khoảng hai phần ba mục tiêu đề ra.
Tại Chỉ thị 10 ngày 25/3, Chính phủ đặt mục tiêu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tới 2030. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tăng về số lượng, chất lượng, quy mô cũng như đóng góp vào nền kinh tế. Việc này góp phần vào mục tiêu tăng trưởng cao, hai chữ số giai đoạn tới của Việt Nam.
Trước đề xuất trên, đại diện Bộ Tài chính thông tin, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) hiện đã đưa ra các mức thuế suất ưu đãi, dựa trên doanh thu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng một năm, mức thuế họ phải đóng là 15%. Từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng, thuế suất là 17%. Như vậy, những mức thuế này đã giảm 3-5% so với quy định hiện hành (20%).
Bên cạnh đó, bà Vang dẫn quy định tại điểm c khoản 6 Điều 13 về ưu đãi thuế suất cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động. Theo đại biểu Vang, quy định hiện tại về số lượng lao động tối thiểu để được hưởng ưu đãi thuế suất là quá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương có tỷ trọng đầu tư thấp. Do đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật xem xét giảm số lượng lao động tối thiểu xuống trên 3.000 lao động.
Đại biểu nhấn mạnh, việc giảm số lượng lao động tối thiểu sẽ mang lại nhiều lợi ích như: phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi thuế suất, tạo động lực cho các nhà đầu tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa phương có tiềm năng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!