VCCI đề xuất bỏ vàng trang sức khỏi mục kinh doanh có điều kiện

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 16/09/2023 12:27 GMT+7

VTV.vn - Theo VCCI, công cụ "điều kiện kinh doanh" chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công.

Trả lời công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh (gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. 

Vì thế công cụ "điều kiện kinh doanh" chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công. Ví dụ như đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: yếu tố trình độ của người khám bệnh là rất quan trọng, vì tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người…

Theo VCCI, phạm vi một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục quy định chung của dự thảo là rất rộng. Điều này dẫn tới tình trạng, cơ quan quản lý sẽ xác định nhiều "ngành nghề con" khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi các "ngành nghề con" này không cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.

VCCI đề xuất bỏ vàng trang sức khỏi mục kinh doanh có điều kiện - Ảnh 1.

VCCI đề xuất bỏ vàng trang sức khỏi mục kinh doanh có điều kiện

VCCI dẫn ví dụ "kinh doanh vàng" được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có "kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm "Kinh doanh vàng". 

"Bản thân các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này", VCCI cho biết.

Theo VCCI, thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đó, VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo về việc đánh giá phạm vi của các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Trong đó thu hẹp lại phạm vi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ví dụ như "kinh doanh vàng", cần loại "kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ" ra khỏi phạm vi của "kinh doanh vàng".

Ngoài kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, VCCI cũng cho rằng một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, bởi vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác.

VCCI dẫn ví dụ theo pháp luật hiện hành thì cơ chế quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuận, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. Nhà nước sẽ xem xét nội dung cũng như hình thức tổ chức để quyết định cho phép hay là không. Đồng nghĩa mỗi khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động cụ thể nào sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép cho hoạt động đó, bản thân doanh nghiệp không phải đáp ứng điều kiện hoạt động nào.

VCCI đánh giá đây là hình thức quản lý phù hợp và hiệu quả, với mục tiêu kiểm soát các hoạt động có ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng, thuần phong mỹ tục.

Như vậy việc xác định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện – tức áp đặt điều kiện đối với chủ thể kinh doanh là chưa phù hợp với phương thức quản lý hiện tại và chưa hợp lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước