4 tháng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án trọng điểm quốc gia - dự án đường Vành đai 3, chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bàn giao giải phóng mặt bằng.
TP Hồ Chí Minh chỉ mất gần 7 tháng hoàn thành ở mức cơ bản công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng tăng từng ngày. Hơn 350/410ha đất được bàn giao cho dự án, chiếm trên 85%, đưa dự án đủ điều kiện khởi công trước thời hạn 1 tháng.
Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, dự án trọng điểm này đã sẵn sàng khởi công vào ngày 18/6 tới đây.
TP Hồ Chí Minh đủ vật liệu khởi công dự án
Việc chủ động kết nối và ngồi lại giữa các địa phương, giám sát thực thi xuyên suốt ở các khâu đã giúp TP Hồ Chí Minh khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc.
Lễ khởi công dự án Vành đai 3 sẽ diễn ra ngày 18/6. (Ảnh: NLĐ)
Việc thiếu nguyên vật liệu đã nhanh chóng được các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ phối hợp ứng phó. Đất đắp nền đường, đá xây dựng đều chuẩn bị vượt nhu cầu dự án. Cát xây dựng và cát đắp nền đường đã chuẩn bị khoảng 80% nhu cầu dự án.
"Riêng thách thức nhất là cát san lấp, với tổng cộng 7,2 triệu khối. Chúng ta đã có danh sách các mỏ và dự trữ cam kết của các địa phương là 5,8 triệu khối. Khối lượng này theo biểu đồ nhu cầu vật liệu trong khi thi công thi chúng ta đủ để đảm bảo cao điểm thi công năm 2023 và 2024", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho Vành đai 3
Bên cạnh đó, sự chia sẻ của người dân nơi dự án đi qua cũng đã giúp công tác giải phóng mặt bằng đạt được hiệu quả cao trong thời gian rất ngắn.
Phân nửa căn nhà gia đình bà Vân (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) sinh sống đã hoàn thành thủ tục để bàn giao cho địa phương. Dù cả gia đình phải lui về sinh sống ở phần đất còn lại, nhưng với bà, nguyện vọng nhìn thấy quê hương "thay da đổi thịt" còn lớn hơn nhiều.
"Rất là phấn khởi khi biết dự án sắp sửa thi công, bởi vậy nên tích cực dọn dẹp tất cả, thu xếp nhà cửa, chỗ ở, chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho dự án", bà Võ Thị Vân, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Ngoài việc giá bồi thường sát giá thị trường, yếu tố quan trọng để có được sự đồng thuận của đa số người dân là việc bố trí tái định cư. Các địa phương đều dành những quỹ đất với hạ tầng hoàn thiện, nằm trong các khu dân cư đông đúc, bên cạnh là trường học, bệnh viện để bố trí tái định cư cho người dân. Một số địa phương còn tặng bản vẽ thiết kế xây dựng nhà, hỗ trợ tháo dỡ, di dời đồ đạc để người dân an tâm đi đến nơi ở mới.
Hiện đã có gần 400 hộ dân được bố trí các nền đất để tái định cư tại chỗ. Khoảng 300 trường hợp giải tỏa trắng, chưa đủ điều kiện bồi thường đất ở cũng được bố trí tái định cư bằng hình thức mua căn hộ trả chậm, gần nơi sinh sống cũ.
Chính quyền cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, chia sẻ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
"Nhà nước mình có những chính sách hỗ trợ cho những hộ dân như em, có chỗ ở yên ổn, phát triển kinh tế gia đình", anh Phan Hoàng Đạt, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, nói.
"Nhà nước khi triển khai dự án phải lo, phải đảm bảo cuộc sống người dân đàng hoàng, tốt hơn, nơi ở khác phải ổn định", bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Vành đai 3 - Động lực mới cho các tỉnh phía Nam
Dự án Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ tạo sự lưu thông, tạo hành lang kết nối các tỉnh sát với TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, từ đó tạo động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tác động đến hơn 30 đô thị. Đây cũng là động lực để các địa phương đẩy nhanh tiến độ bảo đảm khởi công đúng kế hoạch đề ra.
Ðường Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn). (Ảnh: NLĐ)
"Có được Vành đai 3, việc xuyên tâm TP Hồ Chí Minh, một số vị trí của các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết, là hành lang cho đô thị, công nghiệp không chỉ cho 4 tỉnh mà cả khu vực phía Nam. Thứ ba là kết nối vùng", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
"Doanh nghiệp là giới mong chờ nhất, bởi giảm bớt khó khăn về vận chuyển, logistics. Tôi nghĩ phải giảm ít nhất 5 - 10% chi phí vì nó thông suốt. Tốc độ quay vòng đầu xe, luân chuyển hàng hóa nhanh hơn", ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Không chỉ TP Hồ Chí Minh, các địa phương có dự án đi qua như Đồng Nai, Long An, công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt 96%, bảo đảm triển khai đúng tiến độ.
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị, tạo điều kiện mở rộng không gian, kết nối, từ đó thu hút đầu tư, tạo sức bật cho sự tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!