Một tháng hai lần, một nhà thờ ở Washington DC mở cửa để phát chẩn lương thực cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
Bà Wessita McKinley, người làm việc tại nhà thờ cho biết: "85% số người đến đây đều bị thất nghiệp từ hồi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Họ phải sống chật vật ngày qua ngày mà hoàn toàn không có một nguồn thu nhập nào”.
Và thậm chí không có bất kì hỗ trợ nào từ phía Chính phủ khi Quốc hội Mỹ đã chấm dứt các khoản trợ cấp cho người thất nghiệp dài hạn. Chỉ sau một đêm, gần 2 triệu người mất đi nguồn tài chính duy nhất nuôi sống họ.
Theo chuyên gia hỗ trợ việc làm Judy Conti, có thể nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng 5 năm trước, nhưng sự phục hồi này chỉ có lợi cho một số người. "Sự phục hồi việc làm chỉ có lợi cho những người có bằng chuyên ngành như kĩ sư, bác sĩ, hay những người làm ngân hàng” - Bà Judy Conti, Quản lý Dự án Luật việc làm Mỹ cho biết.
Đối với những người thuộc giai cấp lao động thì vẫn chật vật tìm việc. Và kể cả có việc thì tiền lương cũng không đủ sống. Bà Helen Belt cho biết, dù tỉ lệ thất nghiệp Mỹ chỉ còn hơn 6% thì con gái của bà cũng không tìm được việc làm sau khi ra trường. Cả gia đình chỉ sống dựa vào khoản lương hưu ít ỏi của bà Helen.
Lo toan cho cả gia đình với số tiền quá ít ỏi là một gánh nặng quá lớn về mặt tinh thần đối với bà Helen. Mới đây, một cuộc khảo sát trên hơn 350.000 người Mỹ cho thấy, có đến 20% số người thất nghiệp hơn một năm đã rơi vào tình trạng trầm cảm.