Sau cái bắt tay trong thị trường bán lẻ giữa Vingroup và Masan, Tập đoàn Thaco và Công ty thủy sản Hùng Vương cũng đạt được thỏa thuận để về chung một nhà.
Làm thế nào để xây dựng được chuỗi giá trị: từ con giống đến sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng - điều này đồng nghĩa cuộc "hôn nhân" thành công, cả hai doanh nghiệp đều thu được lợi nhuận. Theo các chuyên gia, nguồn tài chính chỉ là một phần, điều quan trọng là làm sao cả hai bên phải tìm được một phương thức quản trị "vận hành hệ thống" phù hợp và hiệu quả trong quá trình hợp tác.
Theo báo cáo tài chính gần đây, Hùng Vương như một con tàu đắm khi nhiều năm kinh doanh không có lãi. Lỗ sau thuế hơn 890 tỷ đồng và nợ 7.200 tỷ đồng. Do đó bên cạnh đổ vốn, Thadi sẽ tham gia sâu hơn vào khâu quản trị, khi có 2 người trong hội đồng quản trị, trong đó 1 người trong ban kiểm soát.
Ngoài ra theo chuyên gia, để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hợp tác thành công, cần phải chú trọng đến 3 sự thay đổi hiện nay: vai trò công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu - môi trường, và sáng tạo trong công nghệ sinh học.
Một trong những trụ cột chính của phát triển kinh tế Việt Nam từ đây đến năm 2030 là nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh sự chủ động, nội lực của các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có những tháo gỡ về mặt chính sách. Vì ngành nông nghiệp Việt Nam đang rất cần "những con sếu đầu đàn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!