Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)
Đây là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều tối nay (28/4).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quyết định này được Chính phủ đưa ra vào thời điểm này là do đến chiều nay, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người dân. Còn lãnh đạo các Bộ, ngành và doanh nghiệp đánh giá, ở thời điểm ngày 6 tháng 3, sau khi bệnh nhân COVID-19 số 17 được công bố nhiều người dân trong cả nước, nhất là ở Hà Nội đã đổ xô đi mua gạo tích trữ, buộc Chính phủ phải tạm dừng xuất khẩu gạo và sau đó đặt ra hạn ngạch để kiểm soát xuất khẩu gạo, đến nay mọi việc đã được kiểm soát tốt, các vụ lúa trong cả nước đều được mùa và Chính phủ cũng đã có được số liệu đầy đủ hơn về sản lượng lúa, gạo của cả năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương, sản xuất gạo trong cả năm nay dự kiến đạt tổng sản lượng trên 43,5 triệu tấn thóc, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư là trên 13,5 triệu tấn, đương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu gạo trong quý I mới chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn và cùng với hạn nghạch của tháng 4 là 400.000 tấn thì đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo của cả nước mới chỉ đạt tối đa 1,9 triệu tấn. Như vậy, nếu không có thiên tai dịch bệnh, từ nay đến cuối năm cả nước vẫn còn có thể xuất khẩu được ít nhất là 4,5 triệu tấn nữa. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp và nhiều nước vẫn đang hạn chế xuất khẩu lương thực, Thủ tướng giao Bộ Công Thương giám sát nghiêm các thương nhân xuất khẩu gạo phải duy trì thường xuyên mức dự trữ tối thiểu 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu 6 tháng trước. 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước phải ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lương thực dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu thương nhân không thực hiện thì thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, việc xuất gạo trở lại bình thường cũng để bảo vệ quyền lợi của người nông dân nhưng nếu có thiên tai hay dịch bệnh xảy ra khiến không đạt được sản lượng 43,5 triệu tấn, Thủ tướng sẽ xem xét lại quyết định này.
Cùng với bảo đảm cung cầu về gạo, Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thúc đẩy tái đàn lợn nhanh hơn nữa, nhất là ở các tỉnh, thành đã hết dịch tả lợn châu Phi nhằm bảo đảm cung cầu của mặt hàng thịt lợn. Trong đó phải đảm bảo cung cầu giống, thức ăn và quản lý tốt đầu ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu hơn 50.000 tấn thịt lợn còn lại trong tổng số 100.000 tấn mà Thủ tướng đã yêu cầu để bảo đảm đủ cung cầu mặt hàng này vì nếu giá thịt lợn thành phẩm không hạ sớm trong tháng 6, sẽ đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!