Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Hà Nội: Hy vọng Việt Nam sẽ sớm "tốt nghiệp" viện trợ ODA

Đào Tùng - Chu Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ hai, ngày 29/02/2016 23:40 GMT+7

JICA sẽ dành các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam đến khoảng năm 2030.

VTV.vn - Đó là chia sẻ của ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Hà Nội.

Ngân hàng Thế giới là một trong các nguồn cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, con số cam kết trong năm 2016 chỉ là 622 triệu USD, chưa bằng một nửa so với năm 2015.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Các khoản tín dụng này tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông và phát triển đô thị, năng lượng, môi trường, cải cách hành chính công…”.

Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Trong năm tài khóa 2015, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay ODA cho Việt Nam trị giá 300 tỉ Yen, tương đương 2,5 tỷ USD.

Ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: “Nhìn vào mối quan hệ hữu hảo giữa Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi đã rất nỗ lực để tăng ODA cho Việt Nam năm 2015 vượt năm 2014. Vì thế chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ cho các bạn 300 tỉ Yen”.

Tuy nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2015 tăng, nhưng theo đánh giá của Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, vì Việt Nam nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình, nên thời gian tới viện trợ sẽ giảm. Xét theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, JICA sẽ dành các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam đến khoảng năm 2030.

Theo ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Hà Nội: “Đối với các nước có thu nhập trung bình, Nhật Bản vẫn có viện trợ với một số điều kiện như lãi suất từ 0,1% đến 1,4%, thời hạn trả nợ từ 25 đến 40 năm và thời gian ân hạn có thể là từ 7 đến 10 năm. Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và vẫn có thể nhận viện trợ ODA theo những điều kiện này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ sớm “tốt nghiệp” viện trợ ODA”.

Trước những thay đổi về viện trợ ODA, tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án ODA 2016-2020. Đề án này nhằm tăng cường sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ đã được ký kết, đồng thời huy động các khoản viện trợ mới, gối đầu cho thời kỳ sau năm 2020. Những lĩnh vực ưu tiên thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong 5 năm tới có thể kể đến như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh...

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước