Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải sẽ giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Ảnh: TL
Theo đó, Trung Quốc sẽ có thêm biện pháp nới lỏng, tương tự như các động thái đã thực hiện trong các cuộc khủng hoảng trước đây.
Lần đầu tiên sau 14 năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ "thận trọng" sang "nới lỏng vừa phải” nhằm hiện thực hoá mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm giảm khoảng bốn điểm cơ bản xuống còn 1,922%, mức thấp kỷ lục. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2,8% lên mức cao nhất trong 1 tháng.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã bị đình trệ do sự sụp đổ của thị trường bất động sản làm suy yếu niềm tin và tiêu dùng, và các nhà đầu tư háo hức đặt cược rằng chính phủ sẽ giải cứu.
Theo thông báo chính thức từ cuộc họp của các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải", một sự thay đổi từ chính sách "thận trọng". Trước đó, chính sách này đã thực hiện lần cuối vào năm 2010 để hỗ trợ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Chính trị cho biết, sự thay đổi chính sách này sẽ ổn định thị trường chứng khoán và bất động sản, thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước. Ông Frances Cheung, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ và lãi suất châu Á tại OCBC ở Singapore cho biết: "Điều này mang lại hy vọng lớn về việc sẽ có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ tiền tệ hơn nữa, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất hoàn toàn".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có 5 lập trường chính sách chính, bao gồm nới lỏng, nới lỏng vừa phải, thận trọng, thắt chặt vừa phải và thắt chặt. Lần cuối Trung Quốc áp dụng chính sách nới lỏng vừa phải là vào cuối năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính sách này kết thúc vào cuối năm 2010.
Chỉ số Hang Seng đã tăng vọt lên trên mức 20.000 điểm sau thông báo, trong khi cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với tâm trạng tăng vọt 4,3%. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh, nhất là trong các lĩnh vực từ ngân hàng, bất động sản và các công ty tiêu dùng.
Chỉ số Hang Seng tăng 12% và chỉ số chuẩn CSI 300 của Trung Quốc tăng 23% kể từ cuối tháng 9, khi Bắc Kinh bắt đầu cắt giảm lãi suất và đưa ra một loạt biện pháp khác để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng nhân dân tệ chủ yếu ổn định ở mức 7,2751 đổi 1 USD.
Thực tế cho thấy, đợt tăng giá trên thị trường trái phiếu đã phá kỷ lục trong năm nay và các động thái này đã đẩy lợi suất trái phiếu dài hạn xuống mức thấp mới trước dự đoán về việc cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 70 điểm cơ bản trong năm nay.
Ông Ken Cheung, chiến lược gia tiền tệ châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong nhấn mạnh: "Vào năm tới, khi nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ hơn được triển khai dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc".
Dữ liệu công bố trong ngày 9/12 cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang tiến gần đến tình trạng giảm phát thực sự trong tháng 11/2024, từ đó gia tăng áp lực để chính phủ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 5 tháng và thấp hơn dự báo 0,5%. So với tháng 10, giá tiêu dùng giảm 0,6%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường giá hàng hóa bán ra từ các nhà sản xuất Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn một chút so với dự báo giảm 2,8% của các nhà phân tích.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải sẽ giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất và tăng nguồn cung hàng hoá xuất khẩu. Bên cạnh đó, nếu chính sách này làm đồng nhân dân tệ suy yếu, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn. Mặt khác, việc kích cầu tiêu dùng nội địa có thể nâng cao nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!