"Trốn thuế bằng Bitcoin cũng không thoát được!"

Dân trí-Thứ ba, ngày 01/12/2020 19:32 GMT+7

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

VTV.vn -"Nếu anh là người giao dịch mạnh, nhiều trên mạng, anh không thể nào mãi ẩn danh được. Rồi chúng tôi sẽ tìm ra thôi", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh quy định ngân hàng thương mại phải thông báo tài khoản của cá nhân đến Tổng cục Thuế có thể khiến các cá nhân "trốn thuế" bằng giao dịch qua trung gian tài chính phi pháp như tiền điện tử, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế - khẳng định bằng nhiều cách khác nhau, cơ quan thuế sẽ tìm được ra và truy thuế những đối tượng này.

Ông Minh cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện khuyến khích các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hoặc áp dụng các công nghệ vào thanh toán, nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Việc thanh toán bằng các đồng tiền điện tử, đơn cử là Bitcoin, Nhân dân tệ điện tử có hợp pháp hoặc bất hợp pháp hay không thì đây là chức năng của Ngân hàng Nhà nước.

"Đối với cơ quan Thuế thì mỗi một vấn đề chúng tôi sẽ phải có giải pháp để xử lý. Chúng tôi không ngăn chặn người dân làm việc thuận lợi, vẫn phải tạo điều kiện cho họ làm ăn và tuân thủ đúng pháp luật" - ông Minh nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Ông Minh khẳng định: "Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác, một ngày nào đó, cơ quan thuế sẽ tìm ra. Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vế, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được thôi.

"Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra thôi", Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định.

Theo quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại phải chuyển dữ liệu thông tin tài khoản cá nhân cho cơ quan thuế. Đây được xem là biện pháp ngăn chặn trốn thuế của các cá nhân có hoạt động trên môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thông tin tài khoản cá nhân được chuyển từ ngân hàng thương mại sang cơ quan thuế được xác định chủ yếu là tài khoản thanh toán, dưới dạng định danh. Không phải thông tin giao dịch số dư, tiền gửi ngân hàng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định: "Các thông tin tài khoản cá nhân được cung cấp sẽ phục vụ để giám sát các giao dịch xuyên biên giới của Google, Facebook, Youtube về Việt Nam, khi tài khoản giao dịch của người Việt phát sinh, nhưng cá nhân hoặc doanh nghiệp không nộp đúng, đủ, cơ quan thuế có quyền yêu cầu cá nhân người nộp thuế chịu trách nhiệm và cưỡng chế, truy thu bằng các biện pháp khác nhau".

"Chúng tôi không quản lý tài khoản tiền gửi, bởi tài khoản tiền gửi không phát sinh thanh toán, không bị luật pháp đánh thuế. Chúng tôi chỉ nhận tài khoản định danh của cá nhân nhằm quản lý thuế đúng, đủ" - ông Minh phân trần.

Thông tin thêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định: Trước kia về cưỡng chế thu thuế, cơ quan thuế phải thực hiện lần lượt, tuần tự từng bước một. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cho phép thực hiện đồng bộ 7 biện pháp cưỡng chế, trong đó có: Thông báo, nêu tên, yêu cầu nộp thuế qua tài khoản, khống chế hóa đơn..

"Tùy vào trường hợp và điều kiện, cơ quan thuế sẽ cân nhắc sử dụng biện pháp nào cho hiệu quả nhất, mục tiêu cuối cùng là làm sao thu được thuế", ông Minh nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước