Triển vọng từ lúa giảm phát thải

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 01/09/2024 10:33 GMT+7

VTV.vn - Xác định là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam vươn tầm chất lượng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh

Triển vọng từ lúa giảm phát thải

Cách đây hơn một tháng, những tấn lúa giảm phát thải đầu tiên đã được thu hoạch tại TP. Cần Thơ. Đây cũng là một trong các mô hình điểm của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, đã có sự lan tỏa về phương thức sản xuất theo hướng bền vững cho bà con nông dân.

Lần đầu tiên ông Nghĩa tham gia mô hình thí điểm canh tác lúa giảm phát thải với quá nhiều thay đổi. Đầu tiên là giống chỉ còn 60 - 65 kg/ha, kế đến là áp dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân, quản lí nước ướt khô xen kẽ, giảm phân, giảm thuốc.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi, Đồng Tháp cho biết: "Thực hiện 4 đúng là thực hiện theo quy trình sản xuất, khi có sâu bệnh mà mật độ sâu đạt tỉ lệ, chúng ta mới xịt, chứ không phải mới thấy chớm là xịt hoặc có sâu là xịt, giảm thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều".

Từ chỗ lo lắng về sâu rầy, dịch hại, năng suất sụt giảm, giờ cánh đồng trĩu hạt chờ ngày thu hoạch chính là thành quả của sự vững tin vào phương thức sản xuất bền vững. Năng suất vụ Thu Đông này ước đạt từ 6,6 - 6,9 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so với đối chứng, đặc biệt là thu nhập tăng thêm 800.000 đồng/ha từ việc bán rơm sau thu hoạch.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Hiện nay giá thành của 1 kg lúa bán ra là 8.800 đồng và toàn bộ chi phí đầu vào là 3.500 đồng. Như vậy, người nông dân hưởng trọn lợi nhuận là hơn 5.000 đồng. Đây là một tín hiệu rất tốt".

Như vậy từ những mô hình đã và đang triển khai ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%, góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải đã cơ bản đạt được.

Ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp nêu ý kiến: "Nó có thể từ 3 tấn/ha/vụ cho đến nhiều hơn 5 tấn, cũng có mảnh lên đến 7-8 tấn, nếu như người nông dân trước khi làm mô hình mà họ vùi rơm rạ, để ngập nước thật lâu, baseline đó lớn và sau khi áp dụng có khả năng giảm rất nhiều".

Và trong tương lai không xa, từ những cánh đồng này, nông dân miền Tây sẽ có thêm khoản tiền từ việc bán tín chỉ carbon. Đó không chỉ là giá trị tăng thêm, mà là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy canh tác theo hướng xanh, bền vững.

Triển vọng từ lúa giảm phát thải - Ảnh 1.

Đã có sự lan tỏa về phương thức sản xuất theo hướng bền vững cho bà con nông dân.

Trợ lực cho những cánh đồng xanh

Xác định là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam vươn tầm chất lượng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây được xem là trợ lực để thúc đẩy câu chuyện liên kết của cả ngành hàng.

Ở những mô hình thí điểm, các HTX sẽ được doanh nghiệp đầu vào hỗ trợ tối đa, đặc biệt là vấn đề đưa máy móc vào đồng ruộng.

Bà Đào Thị Như Hè - Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng chia sẻ: "Tập trung vào sạ cụm, bón phân vùi. Hiệu quả này sẽ giúp cho bà con giảm giống, từ 120 kg chỉ còn 50- 60 kg giống/ha".

Ông Phan Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: "Hỗ trợ 50% phân bón cho những mô hình chuẩn trong 50 ha này. Trong thời gian ba vụ, chúng ta không được tách rời ra. Theo đó, trong ba vụ đó, chúng ta mới đánh giá được, chấp nhận được để tìm ra một quy trình chuẩn, việc sử dụng phân bón chuẩn cho những vùng đất đó, tiến đến đảm bảo quy trình chúng ta đưa ra là bà con thắng lợi".

Cánh đồng này mặc dù khoảng 20 ngày nữa mới bắt đầu cho thu hoạch, tuy nhiên toàn bộ diện tích đều đã được bao tiêu với mức cam kết cao hơn giá thị trường. Điểm đặc biệt ở mô hình này là mặc dù giảm phân thuốc nhưng năng suất sản lượng vẫn cao hơn so với cùng kỳ.

Nói như thế cũng có nghĩa là hạt gạo phát thải thấp đang dần hình thành chỗ đứng trên thị trường. Trước khi thu hoạch 10 ngày, đại diện doanh nghiệp sẽ đến tận nơi thương lượng giá thu mua với HTX. Điểm nhấn là thu mua theo giá thị trường, nhưng cao hơn 100 đồng/kg. Đây được xem là sự động viên của doanh nghiệp đối với hành trình thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân.

Anh Lê Văn Ngoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Chơn Chính nêu nhận định: "Qui trình bà con làm theo hướng sạch, theo hướng giảm phát thải và an toàn cho hệ sinh thái nên công ty ưu tiên vì muốn đề án sẽ được mở rộng".

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Trung An cho biết: "Ngoài việc người tiêu dùng cần sản phẩm lúa gạo an toàn, bây giờ gắn thêm logo giảm phát thải khí nhà kính vào thương hiệu gạo của Việt Nam thì nó nâng cao giá trị của lúa gạo Việt Nam lên rất nhiều".

Từ khi triển khai các mô hình thí điểm cho Đề án 1 triệu ha, không ít ý kiến e ngại chuyện nông dân quá trông chờ vào các hỗ trợ. Tuy nhiên, với những kết quả thực từ cánh đồng, bà con một lần nữa khẳng định sự chủ động trong tương lai.

Ông Trần Tấn Đặng - Hợp tác xã Thắng Lợi, Đồng Tháp đưa ra ý kiến: "Doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ thì chúng tôi rất mừng. Nhưng nếu doanh nghiệp không hỗ trợ nữa thì chúng tôi cũng vẫn thực hiện như vậy. Tại vì lượng phân, thuốc đã giảm, làm giảm chi phí và lợi nhuận của bà con nâng lên".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án đã đạt được những thành công bước đầu. Đó là nông dân tin và làm theo quy trình canh tác bền vững, chi phí sản xuất giảm và các Hợp tác xã đã làm tốt vai trò liên kết. Đây là cơ sở để Bộ có những chỉ đạo tiếp theo trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ như vì môi trường, vì quy hoạch thủy lợi, đang bám sát các địa bàn để xây dựng các thông số, tính toán hệ số giảm phát thải. Sẽ sơ kết 5 mô hình vào ngày 04/9 tại tỉnh Sóc Trăng sau đó chúng tôi sẽ có chỉ đạo về mặt kĩ thuật và qui mô, theo hướng là mở rộng qui mô. Tôi biết hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 12 tỉnh tham gia Đề án đã có kế hoạch mở rộng diện tích theo qui trình canh tác bền vững này. Bộ Nông nghiệp đang triển khai cùng lúc các tỉnh cũng đang có kế hoạch triển khai. Như vậy sau khi sơ kết, 12 tỉnh sẽ đồng loạt mở rộng triển khai. Đây là tín hiệu đáng mừng cho chương trình dự án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên ngành chất lượng cao và phát triển bền vững".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước