Triển vọng thị trường gạo châu Á

VTV Digital-Thứ ba, ngày 16/07/2024 06:15 GMT+7

VTV.vn - Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD. Xuất khẩu gạo tăng hơn 10% về lượng và 32% về giá trị.

Từ 564 USD đến 568 USD/tấn đây là giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ghi nhận gần nhất ngày 12/7, tuy đang giảm so với thời điểm đầu năm, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng gần 10%. Theo đánh giá của Cục xuất nhập khẩu, sau thời gian dài tăng trưởng về giá thì giai đoạn điều chỉnh giảm này của gạo Việt Nam nằm trong xu hướng giảm chung của giá gạo thế giới. Đáng chú ý là xu hướng giảm này cũng nằm trong tiên liệu của doanh nghiệp trong nước vì luôn có tâm lý thận trọng khi giá xuất khẩu gạo tăng liên tục trong thời gian qua.

Theo các chuyên gia quốc tế, khi triển vọng nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ được củng cố, nguồn cung dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, kéo theo đó giá gạo ở châu Á có khả năng hạ nhiệt, vì Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ấn Độ đang xem xét cho phép xuất khẩu gạo trắng với mức thuế cố định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có thể bãi bỏ mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và áp dụng mức thuế cố định. Các chuyên gia nhận định động thái của Ấn Độ nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đều có thể giúp hạ nhiệt giá gạo châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm vào tháng một và giữ ở mức cao lịch sử kể từ đó. Đây sẽ là tin tốt cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào quốc gia Nam Á này để đáp ứng hầu hết các nhu cầu về lương thực thiết yếu.

Thống kê cho thấy Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 5 tháng đầu năm nay với 7,2 triệu tấn, giảm 25,4%; tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, và Mỹ.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm được chào với giá 539-545 USD/tấn trong tuần này. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống mức 570-575 USD/tấn vào ngày 11/7, mức thấp nhất kể từ đầu tháng tư.

Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm

Triển vọng thị trường gạo châu Á - Ảnh 1.

Nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và chúng ta vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, nếu Ấn Độ bãi bỏ, nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo thì giá gạo trên thế giới điều chỉnh giảm xuống là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhu cầu về gạo của các nước trên thế giới hiện nay vẫn ở mức cao và chúng ta vẫn có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm. Còn theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thì nếu Ấn Độ thay đổi chính sách xuất khẩu gạo của họ cũng sẽ diễn ra từng bước, tránh gây tác động tiêu cực cho thị trường chung. Điều quan trọng các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng đảm bảo chất lượng gạo, duy trì phong độ xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu. Các doanh nghiệp của chúng ta vẫn phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống. Yếu tố quan trọng ở đây vẫn làm sao đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Và thứ hai là chúng ta cũng phải đảm bảo cái yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Vì điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến một doanh nghiệp mà có thể nói là rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta".

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo khởi sắc cuối năm

Triển vọng thị trường gạo châu Á - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu điều chỉnh ở thời điểm này giúp doanh nghiệp chủ động và thu mua thóc được dễ hơn.

Theo các doanh nghiệp, việc giá gạo xuất khẩu điều chỉnh ở thời điểm này giúp họ chủ động và thu mua thóc được dễ hơn. Họ dự đoán giá sẽ hồi phục trong thời gian tới khi mà dịp cuối năm nhu cầu nhập khẩu gạo thường cũng tăng lên từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Ngoài ra theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Kế hoạch từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Tân Long sẽ phải đẩy mạnh xuất khẩu trên 400.000 tấn gạo để hoàn thành mục tiêu năm. Những tín hiệu tích cực từ hai đối tác truyền thống là Indonesia và Philippines cũng đã củng cố động lực hoàn thành kế hoạch trên. Indonesia dự kiến sản lượng gạo nhập khẩu năm nay sẽ tăng lên mức 5,18 triệu tấn thay vì 3,6 triệu tấn, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 30% xuống còn 15% của Philippines sẽ rõ ràng trong tháng 8. Nhận định nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường thế giới từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều, nên đại diện doanh nghiệp cho biết, thời điểm này là cơ hội để họ có thể mua được thóc từ bà con nông dân với giá tốt.

"Rút kinh nghiệm của những năm trước thì chúng tôi sẽ thu mua, khi có lượng trong tay thì chúng tôi mới chào bán, thì mới giảm thiểu rủi ro khi mình bán trước mà chưa có chân hàng. Trong quá trình bán thì mình cũng cân nhắc xem thị trường tăng giảm ra sao thì chúng ta sẽ mua vào để mình bình quân được giá thành của mình, từ đó mình vẫn đảm bảo được kế hoạch kinh doanh", anh Lê Anh Nam - Trưởng phòng xuất khẩu gạo, CTCP Tập đoàn Tân Long chia sẻ.

Thời điểm từ đầu tháng 7, công ty Nhật Minh thường xuyên đóng công xuất khẩu mỗi ngày khoảng 150 tấn gạo. Giá bình quân gạo 5% tấm là 600 USD/tấn, và loại 25% tấm là 544 USD. Dù còn thấp hơn 50USD/mỗi tấn so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ, mức giá này đã tăng khoảng 30 đến 35%.

Ông Nguyễn Văn Nhật - TGĐ Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật, TP. Cần Thơ cho hay: "Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác thì nhu cầu nhập khẩu của họ cho tiêu dùng trong nước khá ổn định ở mức cao. Hàng năm riêng 2 quốc gia này có thể nhập khẩu 4 đến 5 triệu tấn, tôi nghĩ nhu cầu này trong thời gian dài nó cũng sẽ ổn định".

Cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm còn đến từ thị trường Trung Quốc, vì thời điểm cuối năm thường gia tăng nhu cầu từ thị trường tỷ dân này. Các doanh nghiệp đã có thêm nhiều khách hàng đàm phán nhập khẩu gạo 5% tấm.

Triển vọng thị trường gạo châu Á - Ảnh 3.

Cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm còn đến từ thị trường rất lớn là Trung Quốc.

"Hiện nay, các khách hàng từ Philippines và từ Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất là nhiều để mua những hợp đồng lớn. Tuy nhiên thì công ty cũng đã làm sao đảm bảo được lợi nhuận cho bà con nông dân thì làm sao đàm phán với giá tốt nhất để cho doanh nghiệp và nông dân có lãi nhiều", ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho hay.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng hơn 10% về lượng và 32% về giá trị. Nhiều doanh nghiệp tin tưởng khả năng đến hết năm nay, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Ngoài ra, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần phải tích cực liên hệ, trao đổi với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trước khi tiến hành các hoạt động giao thương để có đủ thông tin về đối tác nhập khẩu, lưu ý về vấn đề thanh toán, điều kiện giao hàng, vận tải, giải quyết tranh chấp nhằm tránh rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước