Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc đang bước vào vòng đàm phán quyết định để tạo ra một dấu mốc quan trọng trong chuyến thăm Hàn Quốc và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ ngày mai (10/12).
Theo thống kê, hiện các nhà máy của Samsung có doanh số chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước (bằng đúng giá trị xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp Việt Nam cộng lại). Cùng với đó, khoảng 70.000 việc làm và 200 doanh nghiệp vệ tinh sản xuất linh kiện phụ trợ đang hoạt động khá hiệu quả. Nhưng những hoạt động kinh doanh của Samsung và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác có thể còn triển vọng nhiều hơn nữa nếu một Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết.
Quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc được khởi động từ năm 2012. Quá trình này liên tục được thúc đẩy với những cam kết chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo 2 quốc gia. Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc nếu triển vọng thành công vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, sẽ trở thành một kỷ lục trong tốc độ đàm phán so với các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Những Hiệp định tự do hóa thương mại thường đi kèm với nỗi lo các doanh nghiệp nội địa có thể bị mất lợi thế ngay chính trên sân nhà. Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam và Hàn Quốc có thể sẽ hạn chế được tối đa điều này. Đó là bởi một đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là hàng hóa xuất khẩu có tính bổ sung nhau rõ nét. Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng mà Việt Nam chưa sản xuất được và rất cần cho nền kinh tế Việt Nam và Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hàn Quốc những mặt hàng nền kinh tế Hàn Quốc cần thiết. Sự cạnh tranh trực tiếp về cơ bản là không có.
Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, dệt may, đồ gỗ, hàng nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, sắt thép hay phương tiện vận tải... Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc vì thế sẽ còn giúp kinh tế Việt Nam có được thêm một nguồn cung chất lượng, không còn phải quá phụ thuộc vào một đối tác đơn lẻ nào.
Sau 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng quan hệ lên tầm Đối tác Hợp tác Chiến lược năm 2009. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc sẽ là chất xúc tác để đưa mối quan hệ vốn đã phát triển rất nhanh này ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, bao gồm cả chiều rộng lẫn chiều sâu và sẽ đóng góp vào việc nâng vị thế của mỗi quốc gia trên tầm khu vực và trường quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.