Quyết định thí điểm những xe chạy hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã hết hiệu lực hơn 1 năm, song những tranh luận xung quanh việc định danh vẫn khá gay gắt. Nhưng với nội dung mới nhất trong dự thảo thay thế Nghị định 86, vấn đề này có lẽ sắp đến hồi kết. Theo đó, với bản dự thảo được trình lên Chính phủ lần thứ 7 này, Bộ GTVT khẳng định sẽ quản lý như taxi đối với xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm.
Tờ Diễn đàn doanh nghiệp bình luận: "Trong Tờ trình, Bộ GTVT nhấn mạnh việc lựa chọn phương án trên nhằm hướng đến việc "công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải…". Như vậy, nếu dự thảo được thông qua đồng nghĩa với việc tranh luận xung quanh việc Grab, Go-Viet… là kinh doanh vận tải hay công nghệ sẽ đến hồi ngã ngũ.
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 định nghĩa về kinh doanh vận tải như sau: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một số hoặc toàn bộ các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; trong đó có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: Trực tiếp điều hành phương tiện và lái xe để vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa, quyết định giá cước vận tải".
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng bình luận: "Từ định nghĩa này, những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam". Trên thế giới, sau một thời gian "đắn đo", một số nước cũng tính hướng quy định taxi công nghệ là kinh doanh vận tải, trong đó có Singapore.
Singapore đang tính việc siết chặt kiểm soát các công ty ứng dụng gọi xe như Grab và Go-Jek, áp dụng các quy định tương tự như đối với các hãng taxi truyền thống, nhằm mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho cả hành khách và tài xế. Trước đó, vào tháng 12/2017, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) đã phán quyết xem Uber là một công ty vận tải.
Về phía đơn vị trong cuộc cũng có những động thái mới. Trên tờ Thanh Niên đưa tin: Công ty TNHH Grab cũng vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng về chính sách quản lý hệ sinh thái dịch vụ đặt xe trực tuyến. Đại diện Grab thừa nhận trong quá trình triển khai thí điểm, có thể nhận thấy hoạt động của các xe này có những điểm tương đồng với taxi truyền thống. Vì vậy, cũng có thể coi phương tiện xe áp dụng hợp đồng điện tử qua dịch vụ kết nối vận tải là một loại hình taxi.
Tự nhận taxi công nghệ có nhiều điểm tương đồng với taxi truyền thống nhưng Grab đề xuất được miễn một số quy định. Grab đề xuất với taxi công nghệ không cần yêu cầu có đồng hồ tính tiền và niêm yết bảng giá cước; Không đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải; Không yêu cầu có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, phải lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh, và có thể tắt đi khi xe không phục vụ.
Với lần thứ 7 trình dự thảo này, Bộ GTVT đã đưa ra rõ ràng quan điểm của mình trong vấn đề quản lý. Có lẽ tiếp theo sẽ là xem xét những đề xuất từ phía Grab để vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp như Grab đầu tư, hoạt động tại Việt Nam. Từ đây, sẽ không còn những vụ kiện thiếu căn cứ pháp lý để tham chiếu như vụ Vinasun và Grab tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!