Trong đó, việc kỳ vọng sẽ xây dựng được một hệ thống dữ liệu liên thông giữa cơ quan cấp giấy là văn phòng đăng ký đất đai và các tổ chức hành nghề công chứng, sẽ hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ giả "lọt cửa" công chứng.
Ghi nhận tại phòng công chứng số 7, TP.HCM, sau khi bị phát hiện, các đối tượng đã bỏ lại hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Đủ các loại mẫu từ cũ tới mới, được làm rất tinh vi, thậm chí chúng được in trên phôi thật rất khó nhận biết.
Các công chứng viên cho hay, đối với giấy tờ giả, dù máy móc có hiện đại cũng không thể phát hiện thay con người. Phát hiện giấy tờ giả đã khó, nhưng giữ được đối tượng làm giả lại khó hơn nhiều.
Năm qua, đã có hơn 10 trường hợp làm hồ sơ nhà đất giả bị phát hiện tại đây, trong đó, có 4 hồ sơ đã chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra.
Theo lãnh đạo văn phòng công chứng này, để hạn chế rủi ro, ngoài việc trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của công chứng viên, rất cần có một hệ thống liên thông giữa các cơ quan cấp giấy.
Sở Tư pháp TP.HCM thừa nhận, hiện ở 73 tổ chức hành nghề công chứng, các công chứng viên không tra cứu được thông tin từ nơi cấp giấy, tức văn phòng đăng ký đất đai.
Điều này cũng hạn chế rất lớn trong việc công chứng viên phát hiện giấy tờ giả. Để hỗ trợ các công chứng viên, sắp tới Sở sẽ tổ chức một chuyên đề thảo luận về xử lý giấy tờ giả, giả mạo chủ thể trong Hội đồng công chứng.
Các công chứng viên chia sẻ, một số nước trên thế giới đã thành công khi sử dụng mô hình quản lý dữ liệu tập trung. Tức là, Nhà nước quản lý giấy tờ, hồ sơ nhà đất, còn người dân được cấp một mã số. Khi có hoạt động giao dịch thì người dân chỉ cần đưa mã số là có thể truy cập được thông tin, như vậy, sẽ hạn chế được nạn giấy tờ giả hoành hành như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!