TP.HCM cần nhiều tiền để tháo hàng loạt điểm nghẽn là nội dung đáng chú ý trên tờ Người Lao động sáng 10/12.
Bài báo cho biết, thành phố đề xuất tăng mức ngân sách được giữ lại từng bước trong 10 năm, 2020-2030, từ 18% lên 33% nhằm bảo đảm TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trên báo Tuổi trẻ, Ông Nguyễn Minh Tân (Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) cho biết đề xuất của TP.HCM không có gì quá nhưng hơi khó. Bởi lẽ, việc tính toán tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phải tính trên cân đối chung của cả quốc gia đảm bảo mục tiêu chung của đất nước, chứ không phải chỉ xét trên góc độ một địa phương.
Ngân sách Nhà nước phải lo cho các tỉnh, các địa phương ở vùng sâu vùng xa, tuyến đầu tỉnh miền núi phía Bắc, hải đảo. Bên cạnh những khoản để lại cho TP theo chế độ hàng năm, Ngân sách Trung ương còn bổ sung nhiều kinh phí cho TP thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hay những khoản hỗ trợ qua ODA, vay ưu đãi. Nếu tính đủ, tỷ lệ để lại cho ngân sách TP.HCM khoảng 21-22%. Như trong kế hoạch 5 năm vừa rồi, trung ương có dành cho thành phố 10.000 tỷ đồng để chống ngập, rõ ràng đây là khoản đầu tư cho TP.HCM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!