"Chứng sỹ" ít giao dịch, môi giới chứng khoán thất thu

VTV Digital-Thứ tư, ngày 27/11/2024 16:06 GMT+7

VTV.vn - Miễn phí quản lý, tư vấn, duy trì trao đổi thường xuyên với khách hàng… là cách mà các nhà môi giới kinh nghiệm thường làm khi thị trường khó kiếm lợi nhuận.

Môi giới chứng khoán gặp thách thức

Theo thống kê từ các Sở Giao dịch chứng khoán, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 18.042 tỷ đồng/phiên trong tháng 10, thấp hơn mức trung bình 22.130 tỷ đồng của 10 tháng đầu năm. Xu hướng thanh khoản giảm đồng nghĩa thu nhập của môi giới chứng khoán giảm theo, đi kèm sự cạnh tranh gay gắt. Không ít người đã đổi nghể, những người còn lại, để tồn tại được thì buộc phải thích nghi.

10h30 ngày 27/11, hết gần nửa phiên sáng nhưng không khí giao dịch tại văn phòng của một công ty chứng khoán khá im ắng. Những cuộc gọi trao đổi với khách hàng, những tin nhắn đặt lệnh chỉ xuất hiện lác đác.

Anh Nguyễn Minh Giang - người đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề môi giới chia sẻ, đây chính là giai đoạn khá thách thức với những người làm nghề.

"Khách hàng cá nhân giảm khoảng 30% doanh số so với thời điểm trước. Dòng tiền của khách thậm chí rút bớt để sang các kênh đầu tư khác, số lượng khách mới cũng ít hơn nên sự cạnh tranh của anh em môi giới trong nghề cũng sẽ cao hơn", anh Nguyễn Minh Giang - Trưởng phòng quản lý tài sản Trung tâm Kinh doanh Hoàn Kiếm, CTCK Mirae Asset Việt Nam cho biết.

Chứng sỹ ít giao dịch, môi giới chứng khoán thất thu - Ảnh 1.

Xu hướng thanh khoản giảm đồng nghĩa thu nhập của môi giới chứng khoán giảm theo, đi kèm sự cạnh tranh gay gắt. Ảnh minh họa.

Anh Hoàng Quang Hiếu là một trong số ít các môi giới trẻ còn trụ lại, sinh năm 2003 và mới làm nghề được 6 tháng, do chưa gặp nhiều áp lực về thu nhập, đây lại là khoảng thời gian tốt cho Hiếu học hỏi và chuẩn bị.

"Khoảng 2 tháng đầu thì gần như tôi không phát sinh một giao dịch nào, sau đó tôi mới nhờ bạn bè giúp để mở tài khoản. Bạn bè của tôi là sinh viên nên số vốn cũng chỉ vài chục triệu thôi, tuy nhiên đó cũng là những thành quả đầu tiên", Hiếu chia sẻ.

Khởi đầu với những bước chân nhỏ có thể không làm các môi giới trẻ nản lòng, nhưng với những người đã quen với thu nhập cao ở những giai đoạn thị trường bùng nổ thì cũng cần phải có những chiến lược thích nghi. Đây là chia sẻ của Lâm Tuấn - một môi giới đã có thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng từ phí giao dịch những năm 2020 - 2021, nhưng nay nguồn thu đó đã giảm tới 70%.

Anh Lâm Tuấn - Trưởng phòng tư vấn đầu tư 194, CTCP Chứng khoán VPS cho biết: "Khoảng hơn 50% môi giới ở phòng tôi đã nghỉ việc. Bây giờ chúng tôi hướng đến việc mở các nhóm khuyến nghị nhưng sẽ bóc tách ra thành những sản phẩm nhỏ như sản phẩm báo cáo chiến lược, chúng tôi sẽ thu phí 2 triệu cho 1 báo cáo quý. Ngoài ra là phân chia các cách chăm sóc khách hàng khác nhau, thay vì tập trung vào mỗi phí môi giới".

Môi giới chứng khoán thích nghi với bối cảnh thị trường

Theo báo cáo quý III/2024 của công ty chứng khoán VPS - công ty có thị phần môi giới lớn nhất hiện nay, doanh thu từ mảng này đã giảm 25% so với cùng kỳ, SSI giảm 36%, Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) giảm 14% so với cùng kỳ… Vì vậy, cũng dễ hiểu khi thu nhập của môi giới chứng khoán sụt giảm. Tuy nhiên, theo các môi giới kinh nghiệm thì có thể tận dụng thời gian này để nâng cao nghiệp vụ, đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ khách hàng.

Miễn phí quản lý, tư vấn, duy trì trao đổi thường xuyên với khách hàng… là cách mà các nhà môi giới kinh nghiệm thường làm khi thị trường khó kiếm lợi nhuận. Bởi khách hàng được xem là tài sản lâu dài với họ.

Chứng sỹ ít giao dịch, môi giới chứng khoán thất thu - Ảnh 2.

Môi giới chứng khoán cần thích nghi với bối cảnh thị trường. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, cũng giống như việc đầu tư, nghề môi giới không phải là công việc mang đến thu nhập đều đặn do phụ thuộc vào diễn biến thị trường nhưng "tháng nọ" bù "tháng kia". Tính trung bình vẫn mang lại thu nhập hấp dẫn và có nhiều triển vọng tại Việt Nam, khi số lượng nhà đầu tư liên tục tăng qua các năm.

Trên thị trường, từ "quay phí" rất hay được dùng, ám chỉ việc môi giới liên tục khuyến nghị khách hàng mua/bán để phát sinh giao dịch, dù khách lãi hay lỗ, môi giới vẫn sẽ nhận được phí. Trên thực tế, không ít môi giới đã làm như vậy với khách.

Tuy nhiên, cái họ mất nhiều hơn cái họ được đó là mất đi niềm tin và uy tín với khách hàng, mà hai thứ này mới chính là tài sản lâu bền và quý giá nhất đối với bất kỳ môi giới nào cũng như là công ty chứng khoán nơi họ làm việc.

Tỉnh táo trước tin đồn trên thị trường chứng khoán Tỉnh táo trước tin đồn trên thị trường chứng khoán

VTV.vn - Một vấn đề nhận được sự quan tâm trên thị trường là vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước