Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh tồn tại nhiều bất cập khi khung giá đất và bảng giá đất tại địa phương này thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn đến tình trạng hai giá, gây thất thoát thuế cho Nhà nước qua các giao dịch chuyển nhượng, mua bán đất đai.
Cụ thể, theo quy định hiện hành cứ 5 năm Chính Phủ sẽ ban hành khung giá đất trên toàn quốc, và tùy theo tính chất đô thị, từng địa phương sẽ đưa ra một bảng giá đất riêng. Theo đó, khung giá đất ở tại TP.HCM có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2.
Dựa vào khung giá đất này, hàng năm TP.HCM sẽ ban hành hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) theo từng khu vực và có bảng giá đất riêng. Tuy nhiên, bảng giá đất này vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Ví dụ, theo nguyên tắc này, 1m2 đất tại đường Đồng Khởi, quận 1 hiện có giá hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch trên thị trường tại đây đã hơn 1 tỷ đồng.
Khung giá đất ở tại TP.HCM có mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa là 162 triệu đồng/m2.
"Quy định về việc Chính phủ ban hành khung giá đất và địa phương ban hàng bảng giá đất dựa trên khung giá đất này là hoàn toàn bất cập, thoát ly khỏi giá thực tế của thị trường và không phù hợp với nguyên tắc của Luật Đất đai là giá đất phải phù hợp với giá thị trường", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM nói.
Trước thực tế này, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó nghiên cứu bổ sung quy định về việc thu thập thông tin giá đất thị trường để đề xuất mức giá phù hợp. Trường hợp chưa thể bổ sung ngay vào các văn bản quy phạm pháp luật, TP.HCM kiến nghị các bộ chấp thuận cho thành phố thực hiện thí điểm.
Đồng tình với kiến nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng, các đô thị đặc biệt như TP.HCM nên được chủ động đưa bảng giá đất riêng cho mình.
Lãnh đạo TP.HCM đã kiến nghị bỏ quy định về khung giá đất tối thiểu. Ảnh minh họa - PLO.
Ngoài ra, so với tốc độ phát triển đô thị cao như ở TP.HCM, các chuyên gia cho rằng cần cập nhật thường xuyên hơn bảng giá đất thay vì 5 năm theo quy định.
"Tôi nghĩ 5 năm là một câu chuyện hơi dài, so với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và tốc độ phát triển đô thị ở các đô thị lớn. Do vậy cần có cơ chế tham mưu về mặt thời gian về mặt thời gian, loại hình dự án như thế nào để có cập nhật thường xuyên phản ánh đúng", ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nói.
Hiện nhiều chuyên gia ủng hộ kiến nghi bỏ quy định khung giá đất. Thay vào đó, Chính phủ chỉ nên quy định cơ chế, phương pháp xác định giá trị thị trường để làm cơ sở cho người dân, doanh nghiệp đóng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Bởi việc xác định giá đất theo thị trường là giải pháp tối ưu để hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước, thỏa mãn các bên sử dụng đất có liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!