Bảng giá đất mới sát với giá thị trường sẽ kéo ngân sách liên quan đất đai như chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất đều tăng, từ đó thị trường bất động sản sẽ chịu thêm các tác động. Thêm một nguyên nhân nữa khiến cho giá bán căn hộ được dự báo tăng trong thời gian tới là do nguồn cung hạn chế. Trong năm 2025, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có hơn 5.000 căn hộ được mở bán mới. Đây là nguồn cung thấp nhất trong 12 năm qua. Dữ liệu vừa được CBRE Việt Nam công bố.
Dữ liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán căn hộ sơ cấp đạt trung bình 76 triệu đồng/m2, tăng 24% mỗi năm. Mức tăng giá này là do 70% nguồn cung mới nằm ở phân khúc căn hộ cao cấp, các dự án cũng đều điều chỉnh giá bán tăng từ 10 - 40%. Trong đó, có dự án tại khu vực Thủ Thiêm giá chào bán lên tới 490 triệu đồng/m2.
Ông Hoàng Liên Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha Real nhận định: "Bản thân các chủ đầu tư bây giờ đang phải chắt chiu từng dự án để có nguồn cung ra thị trường. Khi họ chắt chiu như thế nguồn cung cũng không có nhiều, bản thân họ phát triển một dự án cũng rất khó nên họ bỏ qua trung cấp và người ta đánh thẳng vào cao cấp luôn để mang lại lợi nhuận cao hơn, mà giá bán rất chênh lệch. Cao cấp có thể cao gấp đôi gấp ba so với trung cấp".
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh mới đây cũng đã chỉ ra, trong năm 2024, thành phố chỉ có 4 dự án được phép huy động vốn và đều là dự án hạng sang. Đây là lần đầu tiên phân khúc nhà ở cao cấp chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh. Sau căn hộ bình dân thì đến lượt căn hộ trung cấp cũng đã biến mất khỏi thị trường.
Trong năm 2025, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có hơn 5.000 căn hộ được mở bán mới. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, thị trường cần có sự điều tiết cung - cầu, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm có giá vừa phải.
TS Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia phân tích thị trường, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong ngắn hạn nghĩa là 2025, TP Hồ Chí Minh phải thúc đẩy cho chủ đầu tư, gỡ pháp lý, một lượng lớn tài sản nằm trong các dự án chưa được triển khai. Chúng ta buộc phải xử lý nhiều kỹ thuật khác nhau để dẫn thị trường. Thứ hai là chúng ta cần can thiệp sâu vào thị trường, đối với những dòng sản phẩm, dự án như nhà ở xã hội, nhà ở có sự ưu đãi chính sách".
"Vấn đề nguồn cung TP Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài thì 80% ảnh hưởng bởi yếu tố pháp lý. Phần còn lại là liên quan đến tài chính nhưng cũng bắt nguồn từ dự án bị vướng pháp lý nên không huy động được nguồn tài chính hỗ trợ", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam nhận định.
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo về tháo gỡ liên quan tới các dự án vào đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý 32 trong tổng số 66 dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý kéo dài; tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Với các dự án chưa có tiền lệ, thành phố tiếp tục báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Giới chuyên gia nhận định, các dự án được tháo gỡ, tái khởi động trở lại không chỉ tránh lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn can thiệp trực tiếp vào nguồn cung, giúp cân bằng giá bán hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!