Tìm dư địa mới để phục hồi phát triển bền vững

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/12/2021 20:14 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”. Ảnh: VOV

VTV.vn - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là dịp để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; các đối tác phát triển của Việt Nam…

Sáng nay (5/12), với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và 60 điểm cầu trong và ngoài nước. Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những đề xuất về giải pháp tài khóa, tiền tệ tại diễn đàn lần này nằm ngoài khung khổ chính sách mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững.

Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là dịp để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; các đối tác phát triển của Việt Nam nhằm hiến kế, tìm kiếm các giải pháp tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ phát biểu: "Chủ đề của chúng ta là hai chữ P - tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững. Ngoài hai chữ P ra thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C - Chính sách và Cuộc sống. Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi".

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu nhấn mạnh: chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để Việt Nam sớm phục hồi kinh tế, hướng tới phát triển bền vững sau đại dịch.

Tìm dư địa mới để phục hồi phát triển bền vững - Ảnh 1.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nói: "Ưu tiên số 1 là y tế về người dân, một số chính sách có thẻ kéo dài vài năm. Một số dự án, chính sách kinh tế xanh, năng lượng tái tạo về cơ sở hạ tầng, những dự án hấp thu được vốn ngay lập tức".

GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, nói: "Trong bối cảnh đặc biệt, cần những giải pháp đặc biệt. Đặt hàng tư nhân giải ngân vốn đàu tư công, chúng ta trả tiền bằng cách đặt hàng vừa nhanh, vừa hiệu quả. Chương trình phục hồi phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế".

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF Việt Nam, phát biểu: "Ưu tiên với Việt Nam là ổn định vĩ mô. Từ kinh nghiệm đẩy mạnh đầu tư y tế, an sinh xã hội liên quan đến hỗ trợ người lao động cần kịp thời hơn, trong tương lai, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nên cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế, tăng trưởng xanh, số hóa… để chính phủ hoạt động hiệu quả năng suất hơn".

Ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói: "Một trong những điểm quan trọng nhất để phát triển kinh tế số cần đột phát về thể chế. Kinh tế số chưa phải tự nó là giải pháp hoàn hảo nếu không có thể chế phù hợp. Tạo sức ép là căn cứ để tăng năng lực cạnh tranh mới đạt được mục tiêu như diễn đàn đặt ra hôm nay".

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu nhìn nhận: ngoài những ảnh hưởng tiêu cực, dịch bệnh COVID-19 cũng tạo ra nhiều cơ hội, nhất là gián tiếp thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước