TikTok vừa cảnh báo sẽ "đăng xuất" khỏi Hoa Kỳ vào ngày mai

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 18/01/2025 21:14 GMT+7

ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trị giá 100 tỷ USD. Ảnh: TL

VTV.vn - TikTok vừa cảnh báo sẽ ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ vào ngày 19/1 nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có động thái phù hợp.

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 17/1 đã thông qua đạo luật liên bang về cấm TikTok bắt đầu từ ngày 19/1 tới, trừ khi ứng dụng này được công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) bán lại.

Động thái phù hợp ở đây chính là việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden đảm bảo rằng, các công ty như Apple và Google sẽ không phải chịu hậu quả pháp lý vì tiếp tục hỗ trợ ứng dụng này khi có lệnh cấm. 

TikTok cho rằng, Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã không đảm bảo được sự ổn định cho dịch vụ của mình.

Tuyên bố của TikTok được đưa ra vài giờ sau khi Tòa án Tối cao duy trì luật cấm TikTok tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia nếu công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc không bán ứng dụng này, khiến ứng dụng video ngắn phổ biến này có nguy cơ ngừng hoạt động chỉ sau hai ngày.

Phán quyết của tòa án đã đẩy nền tảng truyền thông xã hội TikTok và 170 triệu người dùng tại Hoa Kỳ vào tình trạng bấp bênh. 

Trong bối cảnh đó, số phận của TikTok được cho rằng nằm trong tay ông Donald Trump - người đã tuyên bố sẽ giải cứu TikTok sau khi trở lại nắm quyền tổng thống vào ngày 20/1 tới.

TikTok cho biết: "TikTok sẽ buộc phải ngừng hoạt động vào ngày 19/1, trừ khi Chính quyền Biden ngay lập tức đưa ra tuyên bố chắc chắn để thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ quan trọng nhất đảm bảo không thực thi thì".

Trước tuyên bố nêu trên, Nhà Trắng từ chối bình luận.

Apple, Google, Oracle và những người khác có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn nếu họ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho TikTok sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Luật cấm TikTok đã được thông qua với đa số áp đảo của lưỡng đảng tại Quốc hội Hoa kỳ vào năm ngoái và được ông Biden ký. TikTok và một số người dùng ứng dụng đã khiếu nại luật này, nhưng không được chấp thuận của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. 

Trên thực tế, ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh - sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok đã không làm gì nhiều để thoái vốn khỏi TikTok trước thời hạn ngày 19/1 theo luật định. 

Trong khi đó, ông Trump - người đã cố gắng cấm TikTok vào năm 2020 đã nói rằng ông có kế hoạch hành động để cứu ứng dụng này. "Quyết định của tôi về TikTok sẽ được đưa ra trong tương lai không xa, nhưng tôi phải có thời gian để xem xét tình hình", ông Trump nói trong một bài đăng trên mạng xã hội. Đồng thời, mới đây, Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về TikTok trong cuộc điện đàm.

Được biết, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew có kế hoạch tham dự lễ nhậm chức lần thứ hai của Trump vào ngày 20/1 tại Washington.

Cả người dùng và Trung Quốc đang dần thích nghi

Trong nhiều năm, quyền sở hữu TikTok thuộc về Trung Quốc đã gây ra mối lo ngại trong số các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và cuộc chiến TikTok diễn ra vào thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà lập pháp và chính quyền của ông Biden cho biết, Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để thu thập dữ liệu về hàng triệu người Hoa Kỳ để quấy rối, tuyển dụng và làm gián điệp.

Mặc dù ByteDance đã tuyên bố sẽ không bán TikTok, nhưng một số nhà đầu tư, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và tỷ phú Frank McCourt, đã bày tỏ sự quan tâm tới thương vụ này.

TikTok đã trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội nổi bật nhất tại Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với những người trẻ sử dụng nền tảng này để đăng các video ngắn, bao gồm nhiều người sử dụng nó như một nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, có một số người dùng tỏ ra sốc khi lệnh cấm thực sự có hiệu lực.

Đơn cử, người dùng ứng dụng này có tên Lourd Asprec, 21 tuổi, đến từ Houston đã thu hút được 16,3 triệu người theo dõi trên TikTok và ước tính kiếm được 80.000 USD một năm từ nền tảng này, cho biết: "Tôi không nói nên lời. Tôi thậm chí không quan tâm đến việc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu của tôi. Họ có thể lấy tất cả dữ liệu của tôi...".

Trên thực tế, khi thời hạn 19/1 đến gần, hàng triệu người dùng đã chuyển sang các ứng dụng khác do Trung Quốc sở hữu như RedNote.

Chuyên gia Craig Singleton tại tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies, đơn vị đã đệ trình một bản tóm tắt trong vụ kiện chống lại TikTok cho biết: "Trung Quốc đang thích ứng theo thời gian thực với phán quyết của Hoa Kỳ. Trung Quốc không chỉ xây dựng các ứng dụng mà họ đang xây dựng một hệ sinh thái quyền lực diễn ngôn để định hình các câu chuyện toàn cầu và tác động đến xã hội"./.

TikTok đã nhiều lần khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã thao túng nội dung hoặc thu thập dữ liệu người dùng tại Hoa Kỳ thông qua nền tảng của mình. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho rằng cần đề phòng mọi nguy cơ.

Bên cạnh những lo ngại về an ninh quốc gia, TikTok cũng đối mặt với các vụ kiện cáo buộc rằng ứng dụng này gây nghiện và tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của trẻ em. Hơn 12 bang tại Hoa đã đệ đơn kiện TikTok vì lý do này, tuy nhiên, TikTok đã bác bỏ các cáo buộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước